Cập nhật vào 22/06
Đến với Sơn La mùa nào là thích hợp nhất, những địa điểm nào bạn nên đến, địa điểm nào ít người biết ở Sơn La?… Để có một chuyến đi ý nghĩa và an toàn, các bạn đừng bỏ qua cẩm nang du lịch Sơn La này nhé!
1. Giới thiệu chung về Sơn La
Sơn La nằm ở Trung tâm của vùng Tây Bắc Việt Nam phía Bắc giáp với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái; phía Đông giáp với các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp với Lào và Thanh Hóa.
Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 300km với diện tích 14.125km². Dân số hơn 1 triệu người, cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Sơn La bao gồm 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thái chiếm đa số, tiếp đến là Kinh, Mông, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Dao, Hoa, Lào, Tày.
2. Phương tiện đi tới Sơn La
Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển tới Sơn La bằng phương tiện xe buýt, các tuyến xe xuất phát hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình hoặc Bến xe phía sau nhà khách Sơn La (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Các xe giường nằm xuất phát tại Mỹ Đình vào khoảng 19-20h hàng ngày, thời gian lên tới Sơn La khoảng 7-8h (tùy điều kiện thời tiết và tốc độ của mỗi nhà xe). Hệ thống xe buýt vận chuyển hành khách nội tỉnh Sơn La còn chưa phát triển, toàn tỉnh mới có 3 tuyến buýt hoạt động.
Tuy nhiên, với dân phượt chúng mình phương tiện xe máy là phù hợp nhất. Bởi vì chỉ có những con ngựa sắt mới giúp chúng ta chinh phục tất cả những “hang cùng ngõ hẻm” của Sơn La một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Những đồ đạc cần thiết khi đi phượt xe máy bạn có thể xem tại đây: Cần chuẩn bị gì khi đi phượt?
Các bài viết cùng chủ đề phượt Sơn La:
- Tổng hợp kinh nghiệm du lịch Thành phố Sơn La đầy đủ nhất
- Mộc Châu – điểm dừng chân không thể bỏ qua
- Khám phá những địa điểm du lịch ít người biết tại Sơn La
- Mường La và những món ăn có một không hai
3. Thời gian thích hợp để phượt Sơn La
Nếu đi Mộc Châu các bạn có thể lựa chọn một số khoảng thời gian như sau :
Tháng 1 thời điểm hoa cải nở, ngay trước Tết Nguyên Đán là thời điểm hoa đào, mận nở
Tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông
Tháng 11, tuyến đường Quốc lộ 6 cũ nổi tiếng với sắc vàng của hoa dã quỳ
Đi vào mùa Đông để trải nghiệm văn hóa tắm suối nước nóng của người Thái
4. Những món ăn đặc sản tại Sơn La
Sơn La là vùng đất cư trú lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng có lẽ vậy mà các món ăn ở Sơn La mang những hương vị không trộn lẫn, có từ ngàn đời nay.
Khi có cơ hội đặt chân lên vùng đất này, bạn đừng bỏ qua bất kì một cơ hội nào để thưởng thức các món ăn như: Nậm Pịa, Pa Pỉnh Tộp (cá nướng gập), cơm lam người Thái, chẩm chéo, Bánh dày người Mông ở Hồng Ngài, ốc đá suối Bàng, thịt trâu gác bếp,….
5. Những lễ hội độc đáo tại Sơn La
Sơn La là nơi cư trú của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng. Vì thế, nếu nói rằng bạn đến Sơn La để thưởng thức và tham gia các lễ hội cũng là một lí do rất đáng thuyết phục đấy.
(Trong phần này chúng tôi không đề cập đến các lễ hội chỉ diễn ra trên địa bàn Mộc Châu, thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai và Mường La. Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết ở phần sau)
Lễ hội chọi Trâu – Phù Yên
Lễ hội chọi trâu huyện Phù Yên là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời khuyến khích phong trào chăn nuôi đại gia súc, xây dựng huyện vùng cao Phù Yên ngày càng đổi mới và giàu đẹp.
Lễ hội Mợi dân tộc Mường – Phù Yên (mồng 5 Tết)
Lễ hội Mơi được tổ chức vào dịp đấu xuân, khi mọi việc đồng áng đã kết thúc (khoảng mồng 5 tết). Ý nghĩa cầu cho mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản Mường no ấm, đoàn kết vượt qua khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn.
Lễ hội Mợi là dịp để người dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cái trưởng thành và động viên nhau xây dựng bản Mường ngày một tốt hơn. Các con nuôi cám ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà bằng những cây thuốc nam gia truyền.
Lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen nhau. Sau một ngày, lễ hội kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ tiên thầy Mợi về trời.
Lễ hội Mợi của dân tộc Mường tuy có qui mô nhỏ những mang tính nhân văn và cộng đồng rất lớn. Thông qua lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân, đồng thời giúp nhân dân bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu không còn phù hợp.
Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun
Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức một lần, diễn ra trong 2 ngày vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và nuôi được nhiều gà, lợn…
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật là lễ hội Mương A Ma (lễ hội cầu mùa).
Lễ hội Mương A Ma là một nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.
Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng
Lễ hội Xen Pang Ả của dân tộc Kháng được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài.
Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.
Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú
Lễ hội Mah grợ cùng với điệu múa Vêlr guông là một sản phẩm văn hóa tinh thần, tâm linh có nguồn gốc, cổ truyền từ xa xưa của người Khơ Mú. Lễ hội được tổ chức vào tháng 8 tháng 9 âm lịch hàng năm có ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm qua và khai mở một vụ mùa năm tới.
Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha
La Ha là dân tộc ít người, định cư nhiều ở Sơn La, Lai Châu..Lễ hội dâng hoa măng (Pang A Nụn Ban) của dân tộc La Ha có từ rất lâu đời, nhằm cảm tạ những người thầy lang chữa khỏi bệnh. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha bởi số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người với quy mô không phải một xã, một bản mà có thể tới các xã, sang cả huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa – văn nghệ, trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa chạy. Lễ hội được tổ chức vào trước ngày rằm hàng tháng trong mùa xuân.
Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, sau dịp tết Nguyên Đán, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, cũng là dịp bà con Xinh Mun, từng nhà từng nhà tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ (Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi).
Lễ hội lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương (đầu tháng 4 dương lịch) đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến sản xuất.
Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai sa típ của người Xinh Mun Tây Bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng gia đình, vào buổi tối ấm cúng nên rất vui, thể hiện được bản sắc văn hoá của một dân tộc sống nơi biên giới Việt – Lào xa xôi.
6. Một số cung đường nổi bật khi đi phượt Sơn La
Sơn La luôn là địa điểm thu hút nhiều phượt thủ với những điểm dừng chân như: Mộc Châu, thành phố Sơn La, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La),… Dưới đây là một số cung đường bạn có thể tham khảo để có một hành trình thú vị với những điểm dừng chân là các địa danh nổi tiếng của Sơn La:
Cung đường 1: Hà Nội – Mộc Châu – Hà Nội (2 ngày)
Với cung đường này, bạn chỉ mất 2 ngày để khám phá Sơn La với điểm dừng chân nổi tiếng là Mộc Châu!
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mộc Châu (190km)
Ngày 2 : Mộc Châu – Hà Nội (190km)
Cung đường 2: Hà Nội – Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu – Hà Nội (3 ngày)
Mất 3 ngày để bạn hoàn thiện cung đường này với nhiều điểm dừng chân hấp dẫn!
Ngày 1 : Hà Nội – Nghĩa Lộ – Đèo Khau Phạ – Nậm Khắt – Ngọc Chiến
Ngày 2 : Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu
Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội
Cung đường 3: Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La – Mù Cang Chải – Hà Nội (3 ngày)
Ngày 1 : Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La (300km)
Ngày 2 : Sơn La – Quỳnh Nhai – Than Uyên – Mù Cang Chải (200km)
Ngày 3 : Mù Cang Chải – Hà Nội
Cung đường 4: Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Hà Nội (3 ngày)
Bạn sẽ hoàn thành cung đường này trong 3 ngày với 400km. Hãy chuẩn bị đón nhận những trải nghiệm thú vị với 2 điểm dừng chân nổi tiếng với cảnh đẹp mê hồn là Mai Châu và Mộc Châu nhé!
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (130km)
Ngày 2 : Mai Châu – Mộc Châu (70km)
Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội (200km)