Cập nhật vào 01/09
Sở hữu một vẻ đẹp mơ màng với những đồi chè xanh ngút ngàn, hoa mơ, hoa mận nở trắng đất trời mỗi dịp xuân về hay những lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc của 12 dân tộc anh em, Mộc Châu luôn là địa điểm dừng chân lý tưởng của các bạn trẻ ưa thích du lịch bụi.
Mộc Châu là một huyện của tỉnh Sơn La, nơi đây sở hữu một vẻ đẹp mơ màng với những đồi chè xanh ngút ngàn, hoa mơ, hoa mận nở trắng đất trời mỗi dịp xuân về hay những lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc của 12 dân tộc anh em, Mộc Châu luôn là địa điểm dừng chân lý tưởng của các bạn trẻ ưa thích du lịch bụi. Để chuẩn bị tốt cho chuyến phượt của mình, bạn hãy tham khảo một số tư vấn sau để có một chuyến hành trình ý nghĩa, vui vẻ và an toàn.
1. Giới thiệu chung về Mộc Châu
Trước năm 2013, địa giới huyện Mộc Châu phía bắc giáp huyện Phù Yên bởi dòng sông đà, phía tây bắc giáp 2 huyện Bắc Yên và Yên Châu, phía tây giáp nước CHDCND Lào, phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa, phía đông nam giáp tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 2013, địa giới huyện Mộc Châu như sau:
- Phía Đông giáp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La;
- Phía Nam giáp huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào;
- Phía Tây giáp huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La;
- Phía Bắc giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất miền núi phía Bắc, có khí hậu ôn đới gió mùa, các điểm du lịch nổi tiếng như: Hang Dơi, rừng thông Mộc Châu, thác Thái Hưng… và không thể thiếu các đồi chè, đồng cỏ ở thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Giao thông của Mộc Châu có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cũng như phát triển các ngành kinh tế khác. Mộc Châu có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua như quốc lộ 6, 43, 37…nên hàng năm đón nhận nhiều tuyến du lịch đến tham quan, một số xã của huyện Mộc Châu tiếp giáp với lòng hồ sông Đà nên cũng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch đường thủy.
Để có thể lên được lịch trình cho chuyến đi đơn giản và hiệu quả, bạn nên tìm hiểu thêm về Bản đồ du lịch Phượt Việt Nam.
2. Thời gian
Mỗi mùa, Mộc Châu có một vẻ ngoài khác nhau. Có thể bạn thấy bắt gặp Mộc Châu qua những tấm hình với màu xanh bất tận của đồi chè, với đồng hoa cải như tuyết phủ trắng cao nguyên, hay những đứa trẻ lang thang trong rừng mơ, rừng mận,… Tuy nhiên, không phải lúc nào Mộc Châu cũng mơ màng như thế, có những khi Mộc Châu lại sở hữu vẻ đẹp gai góc của núi rừng: Những cây mận, cây đào lưa thưa lá; những đồi chè thấp lè tè hay đồng cải hoang sơ chẳng có một bông hoa,… Vì thế, thời gian nào thích hợp nhất để bạn du lịch Mộc Châu là điều khá quan trọng. Bạn hãy chú ý những khoảng thời gian sau nhé vì đây là lúc Mộc Châu đẹp nhất:
– Trước và sau Tết âm lịch ( cuối tháng 1, đến hết tháng 2): hoa đào, hoa mận nở trắng mọi góc hình Mộc Châu.
– Tháng 3 là thời gian hoa ban nở trắng rừng. Khoảng 26-3 có lễ hội Hết Chá.
– Khoảng tháng 10 – 2: hoa cải trắng, hoa dã quỳ nở rộ. Tháng 11 là thời điểm nở rộ của hoa cải, dã quỳ, ngũ sắc xen lẫn sắc đỏ của hoa trạng nguyên.
– Khoảng tháng 4- đến tháng 8: Khí hậu mát mẻ hơn Hà Nội nhiều, không có hoa nhưng có mận và đào cho bạn hái (tháng 4-6),
– Đầu tháng 9 có Tết Độc Lập rất to, thu hút người Mông trong và ngoài nước về tham dự
Bạn sẽ đi trong mấy ngày? Bạn sẽ mất từ 5 – 6 tiếng (185km) để di chuyển từ Hà Nội tới Mộc Châu. Sẽ có nhiều nơi để đi, thì 2 ngày 3 đêm là hợp lý. Nếu các bạn đi nhanh có thể rút ngắn thời gian.
3. Những đồ dùng cần chuẩn bị khi phượt Mộc Châu
Quần áo: Vì thời tiết Mộc Châu rất đặc biệt, một ngày có tới 4 mùa. Vào những ngày từ tháng 3- tháng 8, ngày có thể có nắng, nhưng về chiều và nhất là đêm lại có cái lạnh mùa thu, bạn phải mặc áo ấm khi đi chơi đêm và đắp chăn bông đi ngủ. Như thế thì bạn nên mang theo quần áo ấm và cả quần áo thoáng mát cho mùa hè. Tốt nhất là ưu tiên chọn trang phục vừa nhẹ, vừa thoáng mát. Bạn sẽ phải di chuyển nhiều, hoạt động nhiều. Cái này tùy theo mùa mà bạn mang quần áo thật dày, hay chỉ cần quần áo dài tay là đủ. Nhưng hãy chú ý, chúng ta đang đi phượt vì thế hãy giảm tải đồ dùng tối đa, chỉ mang những đồ gọn nhẹ nhất có thể.
Giày, dép: Với các bạn nữ, đặc biệt không đi giày cao gót mà giày thể thao là ưu tiên số 1.
Đồ dùng cá nhân: nếu bạn muốn nghỉ ngoài trời có thể mang theo lều trại, đồ dùng – vệ sinh cá nhân là những thứ không thể thiếu.
Thuốc: thuốc chống côn trùng, thuốc đau bụng, cảm cúm, băng, gạc… đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Tiền: Mặc dù phượt là hình thức du lịch không “ngốn” quá nhiều tiền nhưng trong mỗi chuyến hành trình bạn cũng đừng quên mang theo nó nhé. Ngoài những khoản chi tiêu đã hoạch tính trước, bạn hãy mang thêm 1 khoản nữa phòng những chi phí phát sinh.
Máy ảnh: nếu không có máy ảnh chuyên nghiệp thì tối thiếu bạn cũng nên kiếm cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, hoặc một chiếc điện thoại chụp ảnh tốt. Mộc Châu có đủ cảnh để bạn chụp hết pin máy ảnh, full dữ liệu thẻ nhớ nên nhớ mang theo thẻ nhớ và sạc pin dự phòng kẻo có lúc lại ngồi tiếc hùi hụi.
Ngoài ra, bạn đừng quên nhét vào chiếc balo của mình những vật dụng cần thiết mà chúng tôi đã chia sẻ với các bạn tại bài viết Cần chuẩn bị những gì khi đi phượt?
4. Những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Mộc Châu
Trên đường đi có rất nhiều bản người Mông nằm ngay sát đường quốc lộ 6: khu vực xã Lóng Luông. (mùa hoa mận, hoa đào đây là thiên đường hoa) Bạn có thể dạo chơi ở đây nếu thích (nhưng nên xin phép trưởng bản trước).
– Tới trung tâm huyện, đầu tiên bạn nên đi thăm những địa điểm nổi tiếng ở quanh khu vực trung tâm huyện như: hang Dơi (Động Sơn Mộc Hương), rừng thông Bản Áng, Vườn Hoa lan, dâu tây hay thác Dải Yếm.
– Tiếp đến là Thị trấn nông trường Mộc Châu (từ trung tâm huyện quay lại khoảng 5 -7 km), ở đây có công ty chè và công ty sữa Mộc Châu. Bạn có thể ngắm nhìn những đồi chè xanh ngắt, tha hồ chụp ảnh với những cánh đồng cỏ bạt ngàn.
– Từ thị trấn nông trường bạn hỏi đường đến Tân Lập, ở đây có đồi chè hình trái tim, Ngũ Động Bản Ôn hay những cánh đồng cải, dã quỷ, trạng nguyên, hoa đào, hoa mận bạt ngàn. Đây là nơi có thể gọi là con đường xanh châu Mộc, đẹp nhất vào mùa hoa cải, hoa mận. Đoạn đường khoảng 16km, có đoạn hơi xấu, lưu ý đi chậm.
– Ruộng hoa cải bản Ba Phách: Thiên đường hoa cải ở bản Ba Phách với hàng chục mẫu ruộng lớn trồng toàn hoa cải. Bản nằm trên đường Quốc lộ 6, gần quán ăn 70, cách ngã ba thị trấn 5 km. Các bạn đi theo hướng lên Mộc Châu, khi nào thấy biển Công ty chè Mộc Châu thì rẽ vào con đường nhỏ đối diện.
Và còn nhiều bản người Thái, người Mông khác các bạn có thể gặp ngay trên đường đi.
Cảnh đẹp thiên nhiên và con người nơi đây không thể cảm nhận hết được chỉ thông qua những bức hình hay những lời văn đẹp mà bạn phải đến trực tiếp, dùng tất cả các giác quan mà bạn, cảm nhận bằng cả tình yêu quê hương đất nước con người Việt để cảm nhận.
5. Địa điểm nghỉ ngơi, ăn uống
Địa điểm nghỉ ngơi
Huyện Mộc Châu có hai thị trấn là Thị trấn Mộc Châu và Thị trấn Nông Trường, mỗi nơi cách nhau khoảng 3 km. Hiện có 3 khách sạn lớn: Sao Xanh ( Riêng tại Sao Xanh với các đoàn đông sẽ được giảm giá 10% vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 5), Công Đoàn, Hương Sen.
Đối với dân phượt như bọn mình muốn tiết kiệm chi phí thì nên chọn các nhà khách nhỏ. Ở Mộc Châu có khoảng hơn 50 nhà khách nhỏ ở cả hai thị trấn đều có đầy đủ tiện nghi, điều hòa, nước nóng với giá từ 160.000 đến 300.000 đồng.
Nếu bạn đi đông và muốn rẻ thì bạn nên chọn ngủ ở nhà sàn ở khu Rừng Thông Bản Áng, giá rất rẻ có 50k một người, tuy nhiên tắm sẽ không có nước Nóng, ăn uống chủ nhà phục vụ luôn, có đầy đủ các món ăn của người Thái, món cá suối nướng rất ngon.
Địa điểm ăn uống – Một số nhà hàng ngon tại Mộc Châu
Nhà hàng 64 và 70 trên đường quốc lộ, cách thị trấn khoảng 5km, bạn có thể ăn ở đây trước khi vào Mộc Châu. Một nhà hàng có món Bê Chao ngon là Quang Bắc mặt đường đi Sơn La, địa chỉ tiểu khu 40 Mộc Châu. Bạn cũng có thể thưởng thức món ăn ở nhà nơi bạn nghỉ ngơi cũng rất ngon.
6. Món ăn ngon ở Mộc Châu – Mua quà tặng ở Mộc Châu
Ăn ngon: Mộc Châu có bê chao, cá suối, có thể ăn tại quán 64, Xuân Bắc 181, quán 70
Lợn mán, thắng cố, cơm lam, các món ăn dân tộc Thái có thể ăn ở các gia đình trong rừng thông bản Áng.
Quà mua về: Ở Mộc Châu có 1 số cụm mua sắm chính dưới đây (Lưu ý thứ tự được xếp theo chiều từ Sơn La về Hà Nội).
(1) Cụm mua sắm số 1: Ngã ba 73 (gần thị trấn Mộc Châu ).
Các cửa hàng:
+ Năm Thảo: chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, thịt trâu, bò hun khói.
+ Mộc Y quán: thịt dê các món; chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, mật ong, phấn hoa.
(2) Cụm mua sắm số 2: Tiểu khu 32 + Bó bun.
Các cửa hàng: Anh Đông, Cường Huyền, Hùng Mừng, Hoa Khiêm:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, rượu ngô.
+ Các loại thuốc đặc hiệu chữa bệnh: dạ dày, trĩ, viêm xoang…
(3) Cụm mua sắm số 3: Ngã ba 70.
Các cửa hàng: Thân Gái, Vân Thảnh, Liên Thao, Tân Thủy:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+ Điểm dừng đón khách đi Hà Nội hoặc Sơn La.
(4) Cụm mua sắm số 4: Ngã ba Vườn Đào (ngã tư rẽ đi Thông Cuông, hoặc đồi chè thị trấn).
Các cửa hàng: Sen Tuấn, Nga Lộc, Thanh Trường, Hiền Sang,:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+ Đào, mận tươi.
(5) Cụm mua sắm số 5: Tiểu khu Chiềng Đi.
Các cửa hàng: Quán 70, quán 181, quán 64, quán Quang Bắc:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+ Đào, mận tươi.
7. Lễ hội ở Mộc Châu
Tết Độc lập – Chợ tình Mộc Châu
Hằng năm, từ ngày 30/8 đến hết ngày 2/9, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, trong đó phần lớn là bà con các dân tộc ít người đã nô nức đổ về thị trấn Mộc Châu vui Tết Độc lập và cũng để tham dự phiên chợ tình duy nhất trong năm.
Theo phong tục tổ tiên, đồng bào dân tộc Mông chỉ ăn Tết một lần vào dịp cuối năm dương lịch. Tết truyền thống tổ tiên người Mông gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa bản này với bản kia thì Tết Độc lập 2/9 phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mông giữa các vùng miền, đó là dịp trai gái, già trẻ gặp nhau.
Ngày Tết Độc lập của người Mông đồng thời cũng chính là thời gian các cô gái, chàng trai nô nức, sắm sửa váy áo cho để tham gia phiên chợ tình đằm thắm, tìm cho được “ý trung nhân”. Chợ đẹp lắm vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)… Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa.
Ngày nay, khi chợ tình Sa Pa và Khau Vai đã phần nào vơi đi sự hấp dẫn thì chợ tình Mộc Châu lại là điểm đến của bà con dân tộc thiểu số từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đến Yên Bái, Lào Cai. Du khách trong và ngoài nước, dân “phượt” cũng không bỏ qua cơ hội này.
Đối với người Thái ở bản Nà Bó, Mộc Châu, Sơn La, lễ hội cầu mưa được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm, bởi nó bắt đầu cho mùa tươi tốt, bội thu. Lễ cầu mưa thịnh hành từ thế kỷ thứ IX, nhưng thất truyền sau chiến tranh, và đến năm 2011 mới chính thức được khôi phục.
Qua buổi lễ cầu mưa, người Thái không chỉ gửi những thông điệp cá nhân mong muốn mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Họ còn khẳng định rằng, con người và thiên nhiên có sự gắn kết, rằng buộc lẫn nhau. Sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường cũng chính là tôn trọng cuộc sống cá nhân, đem lại những điều nhất cho cuộc sống của họ
Lễ hội Hết Chá của người Thái
Nhắc đến dân tộc Thái với biết bao lễ hội thể hiện nét đặc sắc văn hóa riêng của người Thái. Mùa hoa ban đến, măng đắng lại về, ngày mùa cũng chuẩn bị bắt đầu. Đến hẹn lại lên, nguời Thái Tây Bắc lại rộn ràng với lễ hội Hết Chá đầu xuân. Lễ hội được tổ chức thường niên vào mùa Xuân ở Bản Áng (xã Đông Sang).
Những hoạt động trong Lễ hội đã khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu, với hoa ban, hoa mận, hình con thú, con chim, ve sầu, ong bướm, chiêng trống… đủ mầu sắc, tượng trưng cho sự sống, mùa Xuân. Trong phần hội còn diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn ở nhiều khu vực, thi: xòe dân tộc Thái, món ăn dân tộc, đi cầu kiều, đi cà kheo…
“Lễ hội Hết Chá” cho thấy người Thái ở Tây Bắc có những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, và ý thức gắn kết cộng đồng cùng sát cánh bên nhau để tự tin bước vào mùa vụ mới; cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời và công sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ, cầu cho mưa thuận gió hòa để cuộc sống an lành, yên vui. Các bạn có thể tham gia tour du lịch hay tự tổ chức du lịch bụi lên những vùng cao Tây Bắc để khám phá những nét văn hóa độc đáo của con người nơi đây.
Ngày Tết Của Người Mông
Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn… đã nhộn nhịp không khí đón xuân.
Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những “người bạn” trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.
Tết cũng là dịp người Mông Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Nếu có dịp vào các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Cành ở thị trấn Nông trường và xã Tân Lập, bạn hãy tìm đến các sân vận động rộng, nơi bà con tập trung để chơi xuân. Trong không khí rộn ràng đầu năm, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa ngày Tết của người Mông thông qua điệu múa xòe ô và tiếng khèn réo rắt.
8. Những điểm cần chú ý khi đi phượt Mộc Châu bằng xe máy
Những vấn đề liên quan đến xe: Hết xăng, thủng xăm, hỏng xe giữa đường là những vấn đề đau đầu nhất mà tôi thấy. Sẽ có những đoạn bạn đi hàng km cũng chẳng có lấy một cây xăng, một quán sửa xe nào. Tốt nhất là bạn nên đổ cho đầy bình xăng và chú ý nạp ngay khi nó gần hết.
Đi chặng đường gần 200km chắc chắn sẽ phải đổ xăng 2 lần.
Đường quanh co, dốc đèo nguy hiểm: tốt nhất là bạn nên đi thật cẩn thận với tốc độ vừa phải. Có những đoạn đèo dốc và nghiêng tới 7 độ, một bên là núi đá – một bên là vực. Lái xe khách trên đoạn đường này phóng nhanh vượt ẩu, nên giữ cho mình khoảng cách an toàn với các phương tiện khác và cả với vách núi.
Đừng uống rượu, đừng phóng nhanh vượt ẩu, mang theo đủ tiền bạn sẽ có một chuyến đi an toàn, thú vị.
Các bạn tới tham quan, ngắm cảnh không nên làm ồn cũng như không tự ý xem xét cảnh quan xung quanh nhà bà con dân tộc. Nên liên hệ trưởng bản trước khi vào thăm bản
Cuối cùng bạn nên chuẩn bị mọi thứ kỹ càng và lên đường tới Mộc Châu thôi.