Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Đi phượt Cao nguyên đá Đồng Văn và những điều bạn cần biết

0

Cập nhật vào 12/01

Blog Phượt sẽ chia sẻ với bạn những thông tin về cung đường, cảnh đẹp, các món ăn ngon và kinh nghiệm hữu ích khi đi du lịch, phượt Đồng Văn.

  1. Huyện Đồng Văn Hà Giang
  2. Cao nguyên đá Đồng Văn
  3. Đến Đồng Văn mùa nào đẹp?
  4. Cung đường đi Đồng Văn từ Hà Nội
  5. Du lịch Đồng Văn cần chuẩn bị những gì?
  6. Những địa điểm đẹp ở Đồng Văn
  7. Đặc sản ở Đồng Văn
  8. Nhà nghỉ, homestay ở Đồng văn
  9. Lịch trình đi Đồng Văn

1. Huyện Đồng Văn, Hà Giang

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang và là huyện nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí giáp ranh:

  • Phía Bắc và Đông bắc tiếp giáp Trung Quốc.
  • Phía Đông và Đông Nam tiếp giáp huyện Mèo Vạc.
  • Phía Tây và Tây Nam tiếp giáp huyện Yên Minh.

Huyện Đồng Văn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 52 km. Trung tâm huyện được đặt tại thị trấn Đồng Văn cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Bắc.

Toàn cảnh thị trấn Đồng Văn nhìn từ đỉnh Đồn Cao

Địa hình Đồng Văn khá phức tạp, có nhiều núi cao, vực sâu chia cắt. Nhiều ngọn núi cao như Lũng Táo 1.911m. Độ cao trung bình 1.200m so với mực nước biển. Địa  hình thấp dần từ Tây sang Đông.

Đồng Văn có sông Nho Quế và các dòng suối nhỏ ở Lũng Táo, Phó Bảng, Phố Là chảy qua.

2. Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, có diện tích là 2356,8 km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 – 1.600m.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Nơi đây đã được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu” vào năm 2010 và hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. (Theo vi.wikipedia.org)

Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang hàng năm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan. (Thường vào dịp tháng 11).

3. Du lịch Đồng Văn mùa nào đẹp?

Đến Hà Giang mùa nào cũng đẹp và Đồng Văn cũng như vậy. Bạn có thể đến Đồng Văn vào bất kỳ thời gian nào.

Mùa xuân, lên Đồng Văn bạn sẽ được chiêm ngưỡng đất trời Đồng Văn ngập tràn trong hoa đào, hoa mận khoảng tháng 1 đến tháng 3.

Hoa đào nở khắp các bản làng ở Hà Giang vào mùa xuân

Nếu muốn ngắm hoa tam giác mạch và tham gia vào lễ hội hoa tam giác mạch thường niên, các bạn hãy đến đây vào tháng 10 – 12.

Phượt Đồng Văn mùa hoa tam giác mạch

Thời gian hợp lý nhất để đi phượt Đồng Văn là 2 ngày 3 đêm (đi từ chiều thứ 6, về chiều chủ nhật). Đặc biệt nên đi vào chủ nhật để tham gia chợ phiên nổi tiếng của Cao Nguyên đá Đồng Văn.

4. Cung đường đi Đồng Văn từ Hà Nội

Đồng Văn cách Hà Nội bao nhiêu km? Đồng Văn cách Hà Nội khoảng 440km về phía Bắc.

Có 3 cung đường để bạn lựa chọn:

  • Cung đường 1: Hà Nội – Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 2A – Quốc lộ 2C – Tp. Tuyên Quang – T.trấn Việt Quang – Tp. Hà Giang – Quốc lộ 4C – Đồng Văn.
  • Cung đường 2: Hà Nội – Quốc lộ 32 – T.xã Sơn Tây – Cầu Trung Hà – T.xã Phú Thọ – Quốc lộ 2 – Tp. Tuyên Quang – T.trấn Việt Quang – Tp. Hà Giang – Quốc lộ 4C – Đồng Văn.
  • Cung đường 3: Hà Nội – Quốc lộ 3 – Tp Thái Nguyên – Quốc lộ 34 – Ngã 3 QL34 với QL4C thì rẽ phải qua cầu Lý Bôn – T.t Mèo Vạc – Đồng Văn.

Cung đường đi phượt Đồng Văn từ Hà Nội

3 cung đường này không chênh lệch nhau quá nhiều về quãng đường. Tuy nhiên khi đi các bạn cần chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết khi đi phượt để đảm bảo an toàn.

  • Bạn có thể tham khảo một số Lịch trình đi Hà Giang mà mình đã chia sẻ để có kế hoạch hợp lý cho chuyến đi nhé!

5. Du lịch Đồng Văn cần chuẩn bị những gì?

Đồng Văn là một huyện miền núi với độ cao trung bình hơn 1500m so với mực nước biển do đó khí hậu sẽ lạnh hơn vùng đồng bằng khoảng 3 độ, do đó việc mang theo áo dài tay, áo khoác là môt việc rất quan trọng.

  • Mùa Hè: Thời tiết cũng khá nóng vào ban ngày, nhưng đến tối, đêm thì nhiệt độ cũng giảm đáng kể, chính vì vậy mặc dù mùa hè nhưng các bạn cũng nên mang theo quần áo dài tay, hay áo khoác mỏng nhé.
  • Mùa Thu: Dù thời tiết tại đồng bằng lúc này khá mát mẻ, nhưng các bạn nên lưu ý tầm này Đồng Văn thời tiết sẽ khá lạnh đấy. Bạn nên mang theo áo rét, khăn quàng cổ, găng tay…
  • Mùa Đông: Chỉ 1 từ lạnh tê tái, mùa này các phải chuẩn bị thật kỹ áo ấm, áo gió chống thấm, chống nước, bịt tai, khẩu trang, túi sưởi, găng tay, áo mưa…

Lưu ý: trong chuyến đi chúng ta sẽ chắc chắc chinh phục Cột cờ Lũng Cú – điểm cực bắc của Tổ Quốc hay Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc), chính vì vậy các bạn nên mang theo áo cờ đỏ sao vàng để chụp ảnh tại đây nhé, sẽ rất thú vị đấy.

Giày dép cần phải nhẹ nhàng, gọn gàng, đế mềm, bám đường tốt vì cung đường sẽ phải đi bộ nhiều trên các đoạn đường đồi núi, đất đá dễ trơn trượt.

Nên mang theo hai đôi giày, một đôi không thấm nước để đi trời mưa và một đôi thoáng mát để đi những lúc thời tiết nóng nực.

Ngoài ra còn những vật dụng cần thiết khác như: đồ bảo hộ khi đi xe máy, điện thoại, máy ảnh, sạc pin, thuốc men (đau bụng, cảm cúm, sốt, bông băng, thuốc đỏ, đồ ăn nhẹ trên đường, quần áo mưa….).

6. Những địa điểm du lịch đẹp ở Đồng Văn

6.1. Phố Bảng – Thị trấn ngủ quên

Nằm khuất sau những rặng núi đá cao chót vót, Phó Bảng còn được nhiều người gọi là thị trấn ngủ quên, rồi thị trấn bị lãng quên…

Nhưng, có đến với Phó Bảng, sống ở Phó Bảng thì mới biết, giữa những vách đá tai mèo lởm chởm nhọn hoắt, giữa thiên nhiên khắc nghiệt với mùa đông lạnh tím ngắt da thịt, mùa mưa với những cơn thịnh nộ chợt đến chợt đi vẫn có một nhịp sống.

Cuộc sống người dân nơi đây trở nên nhỏ bé, đơn sơ bên nếp những nhà vương nét thời gian, nép mình bên các hốc đá cao trên triền núi.

Thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn

Nằm sát với đường biên giới Việt – Trung, Phó Bảng là thị trấn tập trung chủ yếu là người Hoa, người Mông sinh sống. Người dân nơi đây quanh năm làm nương rẫy, buôn bán lặt vặt.

Cuộc sống của người dân Phó Bảng, ngày này sang ngày khác, trôi đi thật chậm rãi và đều đều. Cũng có lúc đông vui nhộn nhịp. Đó là vào những ngày chợ phiên họp mỗi tuần một lần, đây là ngày cả thị trấn đông vui nhất.

1 góc thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn

Ở Phó Bảng chỉ có chưa đến 50 căn nhà. Ngắm những ngôi nhà mới cảm nhận được sức mạnh và sự sáng tạo của con người.

Chỉ từ đất và gỗ mà người dân nơi đây có thể tạo nên một lối kiến trúc không thể lẫn vào đâu với màu nâu giản dị tạo cho thị trấn nhỏ nét trầm lặng rất riêng.

Cửa khẩu Phó Bảng

Cửa khẩu Phó Bảng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất thị trấn Phó Bảng huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang, Việt Nam.

Cửa khẩu Phó Bảng cách thị trấn Phó Bảng 5 km theo đường bộ, thông thương sang cửa khẩu Đổng Cán huyện Ma Ly Pho và huyện Phú Ninh, châu Vân Sơn tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

6.2. Cột Cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.

Cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn

Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho đồng bào dân tộc hai bản sử dụng.

Dưới chân cột cờ là làng văn hóa Lô Lô, nơi bạn có thể tham gia sinh hoạt hay tìm hiểu đời sống của người dân tộc nơi đây.

Mốc 428

Theo thông tin từ các bạn đã từng tới đây và từ các anh biên phòng thì đây mới chính là điểm cực Bắc (góc nhọn trên cùng của chữ S) của Việt Nam.

Cột mốc 428 - Mốc cực Bắc của Tổ Quốc

Tuy nhiên vì đây là khu vực biên giới nên để có thể ra đây các bạn cần sự cho phép của bên Biên phòng nhé.

6.3. Phố cổ Đồng Văn

Thị trấn Đồng văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600m so với mặt nước biển, cách TP.Hà Giang 160km.

Ở đây có một khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc hàng trăm năm tuổi mà vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm của nó đã làm du khách như trút hết mệt mỏi sau khi vượt những chặng đường dài để đến với Đồng Văn.

Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang

Phố cổ nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn nhỏ bé (xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang). Khi mới hình thành, đầu thế kỉ 20, khu phố cổ này chỉ gồm vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống.

Khi vào đây chiếm đóng, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Chợ Phiên phố cổ Đồng Văn

Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn.

Hiện nay, phố cổ Đồng Văn còn có khoảng 40 ngôi nhà cổ xây dựng vào khoảng những năm 1810.

Quán cafe phố cổ ở Đồng Văn

Một đặc trưng nữa dễ nhận thấy ở phố cổ Đồng Văn là trước cửa nhà có đèn lồng đỏ treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên đá.

6.4. Chợ phiên Đồng Văn

Nằm giữa khu phố cổ của thị trấn Đồng Văn, chợ phiên Đồng Văn được họp mỗi tuần 1 lần vào ngày chủ nhật. Chợ phiên Đồng Văn chính là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa lớn nhất ở đây.

Chợ phiên Đồng Văn thường họp vào sáng chủ nhật hàng tuần

Là trung tâm giao thương kinh tế, trao đổi hàng hóa lớn của các dân tộc vùng cao, đặc biệt chợ phiên nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn.

Một góc chợ phiên Đồng Văn

6.5. Thung lũng Sủng Là

Bạn từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.

Vẻ dẹp của thung lũng Sủng Là

Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp.

Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.

Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng.

Chen lẫn trong màu xanh non của ngô, lúa, màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng là màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.

Hoa tam giác mạch ở thung lũng Sủng Là

Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt, lạnh lẽo biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.

6.6. Cổng trời Sà Phìn

Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C). Đây là điểm dừng không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với cung đường đá Hà Giang. Từ cổng trời, bạn có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng.

6.7. Dinh vua Mèo

Khu dinh thự của vua Mèo, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương, hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1928.

6.8. Hang Rồng – Xã Sảng Tùng

Từ Thành phố Hà Giang, theo Đường hạnh phúc, đến gần ngã ba rẽ vào thị trấn Phố Bảng (một trong những nơi Vua Mông Vương Chí Sình ngày xưa chọn làm nơi sinh sống) thì rẽ phải, tìm đường vào xã Sảng Tủng.

Trong hệ thống hang động thuộc Cao nguyên đá Hà Giang thì hang Rồng được coi là hang lớn. Trần hang có chỗ cao tới 30m, với nhiều nhũ đá cùng các hình thù kỳ thú.

Tuy nhiên, nền hang lại có chỗ rất rộng, phẳng đến mức kỳ lạ, được một số người cho rằng đây là kết cấu cũ của một sông ngầm.

6.9. Hang tướng phỉ Vàng Vạn Ly (Hang Kho Chớ)

Nằm trong khu rừng nguyên sinh rộng chừng 500ha, chủ yếu là thông đá, thuộc địa phận xã Vần Chải huyện Đồng Văn, quê hương của Sùng Dúng Lù người đã một mình vào hang đá kêu gọi tướng phỉ Vàng Vạn Ly ra hàng.

Hang Kho Chớ nằm cách trụ sở UBND xã Vần Chải khoảng 4km nằm trên núi Trùng Tò Sá cao hơn 2000m. Khu nhà của tướng phí cũng nằm gần đấy.

Hiện nay ngôi nhà xây theo biệt thự kiểu pháp này đang được người con của Vàng Vạn Ly là Vàng Sáu Pó sinh sống và trông coi.

6.10. Các địa điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Đồng Văn

Xã Vần Chải, Phố Cáo, Phố Là, Phố Bảng, thung lũng Sủng Là (thôn Lũng Cẩm nơi có ngôi “Nhà của Pao”là nơi hoa nở đẹp nhất), xã Sà Phìn, xã Lũng Táo, thôn Mã Sồ, xã Lũng Cú; thị trấn Đồng Văn (khu rừng thông thôn Đoàn Kết).

Hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn

7. Món ngon đặc sản Đồng Văn

Những món ăn ngon, hấp dẫn được yêu thích ở Đồng Văn có thịt gà, thịt bò khô, thịt lợn cắp nách, rau cải mèo, măng nứa và rượu ngô….

Đặc sản Thắng dền ở Đồng Văn

Thắng dền

Ngoài ra, khi đến các phiên chợ vùng cao ở Đồng Văn bạn cũng nên thưởng thức những món ăn dân tộc đặc sản Đồng Văn không thể không ăn như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi 7 màu, thắng cố, bánh ngô, bánh cuốn trứng, cháo ấu tẩu, thắng dền, cơm lam Bắc Mê…

8. Nhà nghỉ, homestay ở Đồng Văn

Khi đến Đồng Văn, các bạn có thể chọn những nhà nghỉ, khách sạn hoặc homestay dưới đây

8.1. Khách sạn, nhà nghỉ ở Đồng Văn

  • Khách sạn Cao Nguyên Đá: Điện thoại: 0219 3856868 – 0944 502020. Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Hoàng Ngọc: Điện thoại: 0219 3856020. Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Lũng Cú: Điện thoại: 0219 3856216. Địa chỉ: Xã Lũng Cú, Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Hiên Hoa: Điện thoại: 0219 3856216. Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Hải Hiền: Điện thoại: 0129 3856389 – 0985 274798. Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Bác Chi: Điện thoại: 0977 993071. Địa chỉ: Sau chợ Đồng Văn
  • Nhà nghỉ Thái Thịnh: Điện thoại: 0985 248741 – 0964 521345. Địa chỉ: Số 1 đường Phố Cổ, Tt. Đồng Văn.
  • Nhà nghỉ Việt Trung: Điện thoại: 0972 320388. Địa chỉ: Cạnh huyện đội Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang

8.2. Homestay ở Đồng Văn

  • Homestay Tuyên Hà – Đồng Văn: SĐT: 01653.327.280. Địa chỉ: Tổ 1, Thị trấn Đồng Văn.
  • Bụi Homestay Đồng Văn: SĐT: 0968.890.690. Địa chỉ: Cổng chào Đồng Văn, ngã 3 đi Lũng Cú – Đồng Văn.

Bụi homestay Đồng Văn

Bụi Homestay Đồng Văn

  • Homestay Dao Lodge: Địa chỉ: Tổ 4, thị trấn Đồng Văn.
  • Homestay Hạ Thành: Tổ 7, thị trấn Đồng Văn.
  • Homestay Bản Tha: Số 24 tổ 4 Thị trấn Đồng Văn.
  • Homestay Bản Tùy: Tổ 5 thị trấn Đồng Văn.
  • Kiki’s House: Số 42, tổ 3 thị trấn Đồng Văn.
  • Thổ Homestay: Thị trấn Đồng Văn.

7. Lịch trình đi phượt Đồng Văn bằng xe máy

Bạn nào ngại đi xe máy có thể bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình lên Đồng Văn rồi thuê xe máy khám phá Đồng Văn. Còn với các bạn đi xe máy, có thể tham khảo lịch trình 2 ngày 3 đêm dưới đây:

Ngày 0: Chiều thứ 6: Xuất Phát từ Hà Nội chạy lên thành phố Hà Giang (khoảng 300km), ngủ đêm tại Thành phố Hà Giang. Hoặc nếu đi từ sớm bạn có thể chạy thẳng lên Đồng Văn (412km từ Hà Nội).

Ngày 1: Đồng Văn – Quản Bạ – Yên Minh – Hà Giang

Buổi sáng:

  • Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh (102km): Với lộ trình này bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ của Núi Đôi, Cổng Trời, rừng thông đẹp nhất Việt Nam.
  • Yên Minh – Phó Bảng (27km): Ở lộ trình này bạn sẽ ghé thăm của khẩu Phó Bảng và chụp ảnh ở cột mốc biên giới Việt Trung.
  • Phó Bảng – Sủng Là (7km): Chơi ở Sủng Là, ngắm hoa tam giác mạch và thăm “ngôi nhà của Pao”.
  • Sủng Là – Dinh vua Mèo (11km): Tham quan Dinh Vua Mèo ở Sà Phìn. Khi đi qua đèo Na Khê nhớ đừng lại một lúc để nhìn toàn cảnh thung lũng bản người Mông.

Buổi chiều:

  • Dinh Vua Mèo – Lũng Cú (25km).

Ở Lộ trình này, bên cạnh việc tham quan cột cờ Lũng Cú, bạn còn được thỏa thích vui chơi, chụp ảnh ở những cánh đồng tam giác mạch trải rộng bao la 2 bên đường Sủng Là, Lũng Cú,…đặc biệt là cánh đồng tam giác mạch lớn nhất Hà Giang ở ngay chân biển báo đường đi Lũng Cú – Ma Lé (nếu bạn đi vào mùa hoa nở)

  • Lũng Cú – Đồng Văn (20km).

Buổi Tối: Ăn tối và nghỉ đêm ở Đồng Văn.

Ngày 2: Đồng Văn – Mèo Vạc – Yên Minh – Quảng Bạ – Hà Giang – Hà Nội

Sáng:

  • 5h30: Ăn sáng, thăm quan chợ Đồng Văn (nên chọn chủ nhật để đúng ngày họp chợ), cao nguyên đá, leo núi Đồn Cao ngắm toàn cảnh Đồng Văn.
  • 8h00: Đồng Văn – đèo Mã Pì Lèng: Cafe sáng trên “con đường hạnh phúc” và ngắm cảnh dòng Nho Quế.
    Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Bảo Lạc.

Chiều: Quay về Đồng Văn và chạy về Hà Nội. Dự kiến 22h có mặt ở Hà Nội.

Trên đây là 1 số kinh nghiệm và lịch trình đi du lịch Đồng Văn bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho chuyến đi của mình được đầy đủ, thuận lợi và ý nghĩa nhé!

5/5 - (2 bình chọn)
Share.

Comments are closed.