Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Dinh Thầy Thím Bình Thuận và những điều bạn chưa biết

0

Cập nhật vào 16/07

Cùng Blog Phượt tìm hiểu về Dinh Thầy Thím ở Bình Thuận: kiến trúc, lịch sử và sự tích cảm động về Dinh Thầy Thím trong bài viết dưới đây nhé!

1. Dinh Thầy Thím ở đâu?

Dinh Thầy Thím là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nằm ở xã Tân Tiến, thị xã LaGi, Bình Thuận.

Đường đi Dinh Thầy Thím

Đường đi Dinh Thầy Thím: từ trung tâm thị xã LaGi, bạn đi theo đường Nguyễn Chí Thanh qua Lý Thái Tổ rồi rẽ trái vào đường Ngô Đức Tốn là sẽ tới Dinh Thầy Thím. Quãng đường này dài khoảng 14km.

2. Kiến trúc Dinh Thầy Thím

Quần thể kiến trúc Dinh được bao quanh bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m như tôn thêm vẻ trang nghiêm. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu.

Dinh vốn được xây dựng bằng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, với: gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi – cát – mật đường – nhựa cây, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch Bát tràng.

Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, gồm: cổng chính, võ ca, chính điện, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy Thím và một số công trình phụ cận khác.

Trong đó, chính điện, võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ 18 – 19.

Khuôn viên bên trong Dinh Thầy Thím

– Đặc biệt là 4 cột chính ở khu vực trung tâm Dinh được các nghệ nhân thời bấy giờ trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Toàn bộ chân đế của các cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Đây là nét kiến trúc hiếm hoi và độc đáo trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.

Trên thanh xà còn lưu dòng chữ Hán được khắc chìm, ghi “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” – nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879), đánh dấu một mốc lịch sử Dinh Thầy Thím.

3. Khu mộ Thầy Thím

Vốn gắn liền với tình cảm, niềm tin và tín ngưỡng lâu đời, nên mỗi khi đến cúng bái, tham quan Dinh Thầy Thím, du khách không quên viếng mộ Thầy Thím thắp hương, việc làm đó thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp, biểu trưng cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

Khu mộ bên trong Dinh Thầy Thím

Mộ Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng Bàu Thông, cách Dinh khoảng 3km về phía Tây, khung cảnh thanh vắng, trữ tình. Từ Dinh, ngồi trên chiếc xe bò thô sơ xuyên qua cánh rừng dầu sẽ đưa du khách đến mộ Thầy Thím, hoặc có thể đến mộ bằng phương tiện ôtô, xe máy men theo tỉnh lộ.

Khu mộ có 4 nấm mồ đắp bằng cát trắng vút cao thành 2 hàng, theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ Thầy – Thím, hai mộ phía sau là đôi Hắc – Bạch Hổ (được coi là vệ sĩ, đệ tử của Thầy Thím).

Từ năm 1988, ban quản lý Khu di tích Dinh Thầy Thím đã xây thêm một bức tường thành bằng đá bao bọc lấy khu mộ.

4. Sự tích Dinh Thầy Thím

Thầy Thím thực chất là tên gọi kép của một vợ chồng đạo sĩ (chồng là Thầy, vợ là Thím) có nhiều công đức đối với địa phương.

Theo truyền thuyết, Thầy sinh vào đầu thời Gia Long. Thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời.

Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, Cha, Mẹ cùng lúc qua đời. Là người hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng Thím chịu tang Cha, Mẹ, sống kham khổ.

Cổng vào khu di tích Dinh Thầy Thím

Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nổi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện.

Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành.

Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một mái đình khang trang như làng bên.

Đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời. Khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay ngôi đình dột nát cũ.

Niềm vui chưa được bao lâu, thì làng bên cấp báo về triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn…

Nhà vua nghiêm trị Thầy ở mức cao nhất. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, vua gia ân cho Thầy được chọn trong ba tội hình: xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ.

Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay về phương Nam…

Đôi Hắc - Bạch hổ trong khuôn viên Dinh Thầy Thím

Từ đó, Thầy Thím cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Lúc đầu, Thầy Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh.

Lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô. Một hôm, Thầy quên đem theo chiếc bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà.

Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái.

Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng, Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn.

Quanh khu rừng vang lên tiếng đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc.

Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ…

Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.

Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.

Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập dinh ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế, lấy ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím.

Nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền rộng rãi. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 18, nhà Vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

5. Lễ hội Dinh Thầy Thím

Hàng năm, Dinh có hai dịp lễ lớn: Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch) và Lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14 – 16 tháng 9 âm lịch).

Lúc này, khắp không gian nghi ngút khói hương, trầm bỗng tiếng chuông, như đưa người dân và du khách vào sâu thẳm của thế giới tâm linh.

Lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức thường niên

Dịp lễ hội còn có nhiều tiết mục hấp dẫn như: chèo bã trạo, diễn xướng sự tích Thầy Thím, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài… tạo nên tâm thế ngày hội sôi động.

Du khách đến xin lộc Thầy Thím, phóng sanh thả chim về rừng, cùng làm công tác từ thiện… cũng cố niềm tin, tìm sự thanh thản nơi tâm hồn.

6. Biển Dinh Thầy Thím

Sau khi viếng chùa Dinh Thầy Thím, vãn cảnh núi rừng, du khách thường ra đoạn bờ biển gần Dinh (bãi biển Tân Hải, mỏm Đá Chim) cách đó chừng 3km, để thỏa thích đắm mình trong làn nước mát, tắm nắng trên bờ cát mịn, thư giãn dưới rặng dừa xanh, và thưởng thức đặc sản LaGi Bình Thuận.

Biển Dinh Thầy Thím

Ngoài bãi biển Dinh Thầy, bạn có thể khám phá thêm các bãi biển khác ở thị xã LaGi, Bình Thuận mà mình đã chia sẻ trong bài viết: Các bãi biển đẹp ở Lagi.

Biển Dinh Thầy Thím

Các món ăn đặc sản ở biển Dinh Thầy Thím

4.5/5 - (2 bình chọn)
Share.

Comments are closed.