Cập nhật vào 31/07
Việc chuẩn bị đồ dùng đầy đủ trước khi đi phượt là việc rất quan trọng, đảm bảo cho chuyến đi của bạn được an toàn và thuận lợi. Blog Phượt sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm lựa chọn những vật dụng cần thiết khi đi phượt trong bài viết sau đây.
1. Nên đi phượt bằng xe gì?
Đi phượt bằng xe máy là trải nghiệm hấp dẫn với những bạn đam mê các cung đường. Tuy nhiên với những bạn mới bắt đầu đi phượt thì việc lựa chọn đi phượt bằng xe gì: xe ga hay xe số cũng là điều bạn cần cân nhắc.
Để biết đi phượt nên đi xe gì thì Blog Phượt đưa ra 1 số ưu và nhược điểm của các dòng xe hiện nay cho các bạn tham khảo.
Xe ga
- Ưu điểm: cốp để đồ rộng, dễ điều khiển, ít bị vấy nước bẩn lên chân khi đi qua các vũng nước trên đường.
- Nhược điểm: Sử dụng dây cu-roa và hộp số vô cấp nên khả năng leo đèo dốc khá yếu, người sử dụng không thể chủ động tăng giảm số của xe.
Có nên đi phượt bằng xe tay ga không? Nếu sử dụng xe ga khi đi phượt đường đèo dốc sẽ rất nguy hiểm, dễ trơn trượt khi vào cua gấp, không phù hợp với những bạn mới đi hay tay lái còn yếu. Và kể cả những người đã quen đi phượt cũng sẽ hiếm khi lựa chọn dòng xe ga để đi.
Xe số:
- Ưu điểm: có thể chủ động tăng giảm số khi cần thiết. Bảo dưỡng dễ dàng.
- Nhược điểm: Đa số các xe số đều có cốp nhỏ, thiết kế dễ bị bắn bẩn hơn xe ga. Vì sử dụng điện bình nên đèn của xe số phụ thuộc vào ga, ga càng mạnh đèn càng sáng, trong khi xe tay ga thì đèn luôn sáng đều, ngay cả khi không nổ máy.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm đi phượt thì đây là lựa chọn tối ưu nhất bởi 1 phần là xe số rất thông dụng, khả năng leo đèo cũng khá tốt, dễ điều khiển, bánh xe thường to hơn nên khi vào cua hoặc trời mưa sẽ an toàn hơn xe ga. Ưu điểm nữa là rất dễ tự sửa chữa hoặc tìm chỗ sửa chữa
Xe côn tay:
Ưu điểm: chủ động tăng giảm số và can thiệp vào ly hợp bằng tay côn, nhờ đó có thể thực hiện các kỹ thuật vê côn và ngắt côn trong khi chạy. Thật ra thì xe số cũng có thể ngắt côn bằng phương pháp dậm cần số, nhưng xét cho cùng thì kỹ thuật này chỉ mang đến cảm giác “phiêu” cho người lái chứ không có tác dụng gì nhiều, trong một số tình huống lại có thể gây nguy hiểm cho người lái.
Xe côn thấp nhất bây giờ là khoảng 135 phân khối, động cơ khỏe, leo đèo tốt, hệ thống cắt côn khá an toàn nhưng đòi hỏi cần phải biết đi và đi thành thục.
Tóm lại, dù bạn đi xe gì thì cũng cần phải bảo dưỡng thường xuyên, nhất là trước mỗi chuyến đi phượt để đảm bảo xe hoạt động tốt nhất, hạn chế sự cố xảy ra trên đường.
- Bạn đã đi hết 17 cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam này chưa?
2. Bão dưỡng và trang bị xe cộ cẩn thận
- Thay dầu trước khi đi.
- Kiểm tra lốp xe trước chuyến đi, đảm bảo lốp vẫn còn độ bám tốt và ko bị “cắn săm”. Tốt nhất là thay toàn bộ săm mới, lốp nếu độ bám bắt đầu giảm thì cũng nên thay luôn.
- Kiểm tra ắc quy, còi, đèn pha, đèn hậu, xi-nhan, bugi… Tất cả phải ở trong tình trạng tốt nhất!
- Lắp đủ 2 gương.
TRANG BỊ CHO XE
- MŨ BẢO HIỂM: (nên dùng loại có kính, càng kín gió càng tốt): đi phượt bằng nói chung là việc mạo hiểm vì vậy cần dùng loại mũ tốt, ko dùng những loại chỉ có tính chất “đối phó”.
- TÚI ĐỒ SỬA, VÁ XE: Đầy đủ các dụng cụ để vá xe, sửa chữa nhẹ như: 1 bộ móc lốp, 1 bộ dụng cụ vá xe (keo, miếng vá, miếng chà săm, 1 bơm tay hoặc bơm chân tùy bạn), 1 kìm, 1 mỏ lết loại nhỏ, 1 bộ cờ lê (loại 1 đầu mở, 1 đầu tròn) có kích thước lần lượt 10-12-14-17-19mm, vài thanh chữ T (dùng để vặn ốc ở phanh sau, tháo ốc thay dầu), 1 tuốc nơ vít (4 cạnh và 2 cạnh), 1 bộ đồ tháo bugi.
- Nên chuẩn bị thêm cả vòi cao su nhỏ và bình nước lavie loại 1,5l để dùng trong trường hợp cần hút xăng giữa các xe hoặc mua xăng khẩn cấp.
- GƯƠNG CHIẾU HẬU : Luật giao thông đường bộ quy định chỉ cần có gương bên trái tuy nhiên tốt nhất bạn nên lắp đủ cả 2 gương để tăng tầm quan sát trên đường.
- DÂY CHẰNG BUỘC ĐỒ: nên có 3-4 cái, nên chằng ba lô đằng sau và đằng trước xe. Tốt nhất là dây chun cắt từ săm ô tô mua ở mấy cửa hàng bán vật liệu XD.
- SĂM, BUGI: mỗi xe chủ động chuẩn bị theo 2 săm và 1 buzi theo đúng chủng loại xe của mình nhé!
- 02 BỘ CHÌA KHÓA XE: xế giữ 1 – ôm giữ 1 (nếu xe đi độc hành thì chuyển chéo chìa còn lại giữa các xe).
- TÚI NILON MỎNG MÀU VÀNG (mỗi xe từ 5 – 7 túi nhé) băng dính: dùng trong trường hợp sương mù (gặp sương mù thì nhanh chóng lấy túi này che đèn xe nhé, chống chỉ định bật đèn pha vì dễ gây lóa mắt cho xe đối diện và làm cho thị lực của xế giảm khi đi trong sương mù).
- GIẤY TỜ XE: bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe máy còn hạn.
Lưu ý: Đổ đầy xăng trước khi đi đề phòng trường hợp giữa đường không tìm được cây xăng. Nếu có thể hãy mang theo 1 chai xăng dự phòng.
- Chia sẻ với bạn: Kinh nghiệm đi phượt Hà Giang đầy đủ và chi tiết nhất.
3. Những thứ cần chuẩn bị khi đi phượt
3.1. Đồ dùng cá nhân
Khi đi xe máy
- Áo khoác mỏng (tránh nắng, lạnh, bụi đường).
- Khăn hoặc khẩu trang.
- Kính trắng hoặc kính râm (nắng, bụi, côn trùng).
- Nước uống dọc đường.
- Giấy tờ tùy thân cá nhân, CMND
- Găng tay.
- 1 bộ quần áo mưa gồm quần và áo riêng (k dùng loại áo mưa trùm khó cử động), hạn chế tầm nhìn.
- Giáp bảo hộ chân, tay, giáp thân.
Nếu bạn đi phượt kết hợp leo núi
- Quần rộng thoải mái, có dây rút ở ống quần hoặc dùng miếng dán bó gấu quần cho gọn gàng.
- Áo dài tay cotton thấm mồ hôi tốt hay áo khoác gió mỏng (giữ nhiệt, tránh côn trùng hay các cây gai).
- Giày leo núi chuyên nghiệp, hoặc giày cao cổ bộ đội . Không đi giày thời trang, dễ trơn trượt.
- Mũ lưỡi trai.
- Tất, khăn.
- Thuốc đặc trị nếu có vấn đề bệnh tật nào đặc biệt.
- Bánh kẹo như socola, đường gluco cho xế ôm ăn dọc đường vui miệng, chống đói, hồi phục thể lực trong khi trekking (Cái này cực kì quan trọng trong quá trình trekking).
- Nước uống.
- Coffee, ca cao nên có mà uống chơi.
- 1 số chị em cố gắng hỗ trợ cho đoàn, mang giúp đoàn 1 con dao nhỏ để chia phần khi ăn uống.
- 1 chai lavie rượu ngon (giữ nhiệt, tăng cường đề kháng, giao lưu với nhau).
- 1 đôi dép nhét vào balô (khi dừng chân qua đêm hoặc khi giày hỏng).
- 1 bộ quần áo mưa gồm quần và áo riêng (thuận tiện trekking, k dùng áo mưa trùm).
- 1 vỏ chăn mỏng nhét vào balô (tối dừng chân giữa rừng ngủ cho ấm).
- 1 cuộn giấy vệ sinh gấp bẹp giảm không gian rồi bọc vào túi bóng cho khỏi ướt.
- Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi ra rừng, nên nhét vào túi bóng tập trung để mang về.
3.2. Đồ dùng chung cho đoàn
- Đồ nghề vá xe và săm thay thế.
- Bông gạc và thuốc thang cơ bản (thuốc đau bụng, huyết áp).
- Đồ ăn uống chung.
- Nước uống.
- Phản quang dán xe để đi đêm.
- Găng tay hạt nhựa (leo núi).
- Một vài thứ khác dành cho những cung đường đặc biệt (tất chống vắt, dây thừng kéo xe…).
3.3. Các đồ dùng cần thiết khác
- Dao đa năng, đèn pin, bật lửa.
- Điện thoại (chọn loại sóng tốt pin trâu là tốt nhất), mang theo smartphone thì nhớ kiếm mấy cục pin dự phòng.
- Máy ảnh (nếu không chơi ảnh và muốn nhẹ nhàng thì mang mấy cái máy du lịch thôi cho gọn, tất nhiên nếu có máy xịn, muốn ảnh đẹp và không xót máy, các bạn cứ tự nhiên sử dụng).
- Bao cao su và băng vệ sinh (đừng nghĩ gì nhé, đơn giản là dùng bao cao su để nhét đồ điện tử vào chống ướt và băng vệ sinh lót đế giày để tránh bị ngấm lạnh gan bàn chân – nhất là khi đi rừng).
Bao cao su có khả năng chống nước cho thiết bị điện tử rất tốt
Lót băng vệ sinh vào dưới đế giày có khả năng hút ẩm cao, tránh nhiễm lạnh cho gan bàn chân
Chuẩn bị kĩ càng và đầy đủ mọi dụng cụ là khi bạn có thể sẵn sàng chinh phục mọi cung đường!