Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Du lịch Lũng Cú – Khám phá điểm cực Bắc thật sự của Tổ quốc

0

Cập nhật vào 16/07

Nếu có dịp đến với Hà Giang thì bạn đừng quên đến Cột cờ Lũng Cú – cực Bắc của Tổ quốc nhé. Và những kinh nghiệm du lịch Lũng Cú mà Blog Phượt sẽ chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có 1 chuyến đi an toàn và ý nghĩa.

1. Giới thiệu về Lũng Cú

Lũng Cú là một xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, cách thành phố Hà Giang khoảng 160 km.

Nhiều ý kiến cho rằng tên gọi đúng của Lũng Cú là Long Cổ (trống có hình rồng) hay Long Cư (nơi rồng ở), Thung lũng Rồng.. Tuy nhiên, nơi đây có khá nhiều thung lũng nên tên gọi Thung Lũng Rồng có vẻ thích hợp hơn.

Xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang

Lũng Cú có 9 thôn bản là Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 16 km.

Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi.

Xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang

Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc Tổ Quốc với bên trái là Thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế.

Dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang). Lũng Cú là nơi sinh sống của các dân tộc H’Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo.

2. Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú đặt trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), ở độ cao 1470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam, cách điểm cực Bắc thật của Việt Nam khoảng 3Km theo đường chim bay. (Theo Wikipedia)

Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ Quốc

Leo hơn 30 mét lên đỉnh sẽ nhìn thấy 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng. Một cái ao bên phía bản Mông, theo họ Lũng Cú là Lũng Ngô (vì theo tiếng Mông, Cú có nghĩa là ngô).

Một ao nước về phía bản Lô Lô, đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư – nơi rồng ở theo phiên âm tiếng Hán.

Ao nước nhìn từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú

Phía trên là ngọn cờ đỏ sao vàng có chiều cao 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích 54 m² tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sống trên đất nước Việt Nam.

Lá cờ đỏ sao vàng trên nóc cột cờ Lũng Cú

Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Tây Bắc địa đầu của Việt Nam.

View nhìn từ cột cờ Lũng Cú

Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống.

Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Cột mốc 428

Nằm cách cột cờ Lũng Cũ chừng hơn 3km về phía Bắc, cột mốc biên giới 428 là điểm đánh dấu phần lãnh thổ Việt Nam với nước bạn Trung Quốc.

Đây chính là nơi con sông Nho Quế bắt đầu dòng chảy vào đất Việt thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lủng Cũ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và là địa điểm đi phượt được các bạn trẻ đam mê trekking rất muốn chinh phục.

Mốc 428 - Cột mốc biên giới cực Bắc của Việt Nam

Đường lên cột mốc 428 Hà Giang dài chỉ khoảng 3km nhưng lại mất gần 3 tiếng đồng đi bộ vì địa hình đồi núi ngoằn nghèo, với những đoạn dốc thẳng đứng.

Chính vì nằm tại vị trí khá hiểm trở với phía dưới là sông, trên là vách núi như vậy mà phải mất tới hai năm, cột mốc này mới được hoàn thành.

3. Từ Hà Giang đi Lũng Cú bao nhiêu km?

Từ Hà Giang đi Lũng Cú khoảng 160km theo quốc lộ 4C. Trên đường đi Lũng Cú từ Thành phố Hà Giang bạn sẽ đi qua Cổng trời Quản Bạ, cao nguyên đá Đồng Văn, Dinh Vua Mèo, đến ngã 3 đường Cột cờ Quốc gia thì rẽ trái và đi thêm chừng 30km nữa là sẽ đến Lũng Cú.

Từ Hà Giang đi Lũng Cú khoảng 160km

4. Đi Lũng Cú bằng phương tiện gì?

Có 2 cách để bạn đi du lịch Lũng Cú

Cách 1: Đi bằng ô tô riêng hoặc xe khách

Từ Hà Nội bạn bắt xe khách lên thành phố Hà Giang, sau đó bạn có thể thuê xe máy ở đó và chạy lên Lũng Cú; hoặc bạn có thể đi tiếp bằng xe khách tuyến Hà Giang – Đồng Văn là sẽ đến được Lũng Cú.

Cách 2: Đi phượt Lũng Cú bằng xe máy

Từ Hà Nội, bạn đi xe máy theo hướng quốc Lộ 2 qua thành phố Vĩnh Yên, Tuyên Quang là sẽ đến Tp. Hà Giang.

Từ Tp. Hà Giang, bạn chạy theo quốc lộ 4C qua Cổng trời Quản Bạ, cao nguyên đá Đồng Văn là sẽ đến Lũng Cú. Với cách này bạn sẽ được trải nghiệm trọng vẹn vẻ đẹp của những cung đường, của thiên nhiên Hà Giang hùng vĩ.

5. Du lịch Lũng Cú mùa nào đẹp?

Nếu bạn muốn du lịch Lũng Cú bạn nên tham khảo những thời điểm sau:

  • Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm hoa mận, hoa đào và hoa cải vàng đua nhau khoe sắc.
  • Tháng 4 là mùa hoa trẩu, hoa ban.
  • Tháng 5 là mùa nước đổ ở Hà Giang.
  • Từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa hè vàng rực nắng trên cao nguyên đá.
  • Đến tháng 9 Hà Giang bước vào vào mùa lúa chín.
  • Tháng 10 – Tháng 12 ngập tràn sắc hồng và trắng của mùa hoa tam giác mạch Hà Giang.
  • Tháng 11 diễn ra Lễ hội hoa tam giác mạch thường niên trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Thiên nhiên Hà Giang lộng lẫy và mang vẻ đẹp rừng núi hoang sơ

Thiên nhiên Hà Giang mang vẻ đẹp rừng núi hoang sơ

Còn nếu bạn muốn chinh phục Cột mốc biên giới 428 thì theo kinh nghiệm của các phượt thủ, khoảng thời gian thích hợp nhất chính là từ tháng 6 đến tháng 8.

Đây là lúc thời tiết ở Hà Giang đẹp nhất, ít sương mù, không có mưa lớn, những con đường khá khô ráo, dễ di chuyển.

6. Điểm cực Bắc thật sự của Tổ quốc

Hầu hết mọi người vẫn nghĩ rằng, điểm cực Bắc Việt Nam chính là cột cờ Lũng Cú, được đặt trên hơn 1000 bậc thang ở độ cao 1700m, đứng trên đỉnh cột cờ có thể nhìn sang đất nước Trung Quốc.

Sau đó, có nguồn tin lại cho rằng, chinh phục thành công cột mốc 428 (mốc có vĩ độ cao nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung) mới là đã đặt chân tới điểm cực Bắc của Tổ quốc.

Thật ra, cột cờ Lũng Cú hay cột mốc 428 đều là những biểu tượng mà các phượt thủ vô cùng tự hào khi chinh phục được, nhưng chúng chỉ tượng trưng cho cực Bắc mà thôi. Còn thực chất biên giới của chúng ta còn xa hơn nhiều.

Theo bản đồ vệ tinh: khoảng cách giữa điểm cực Bắc thật sự và cột cờ Lũng Cú là 3,3km, còn cách mốc 428 tầm 2,2km theo đường chim bay. Chứng tỏ, việc chinh phục điểm cực Bắc thực sự không hề đơn giản.

Điểm cực Bắc thật sự của Việt Nam

Và theo tài liệu của biên phòng Việt Nam, vị trí cực Bắc thực sự nằm ở trung tuyến dòng sông Nho Quế, nơi con sông chuyển hướng từ Đông Bắc sang Đông Nam để xuôi về Đồng Văn, Mèo Vạc – một địa điểm mà cho đến nay mới chỉ có vài kẻ mê khám phá, mạo hiểm được đặt chân tới.

7. Hành trình chinh phục cực Bắc

Từ thành phố Hà Giang, theo quốc lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc khoảng 130 km tới thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú – Đồng Văn khoảng 30 km là đến Lũng Cú.

Cung đường từ Đồng Văn đi Lũng Cú

Đến Lũng Cú, bạn đi theo đường lên Cột cờ khoảng 2km là sẽ đến chân cột cờ Lũng Cú. Bạn sẽ phải leo 389 bậc thang và 140 bậc thang xoắn để lên được đỉnh cột cờ.

Chinh phục cột mốc 428

Để chinh phục mốc cực Bắc 428, đầu tiên bạn cần làm thủ tục xin phép với đồn biên phòng Lũng Cú. Sau khi nhận được sự đồng ý và được các anh bộ đội biên phòng hướng dẫn cụ thể, bạn mới có thể tiếp tục hành trình của mình.

Từ xã Lũng Cú, bạn di chuyển về bản Xéo Lủng, rồi từ đây vượt qua những con đường đá hộc để đến đỉnh cao hướng xuống lòng sông.

Bạn nên tìm 1 poster là người dân bản để dẫn đường vì họ thông thuộc địa hình hơn và tránh những sự cố không đáng có.

Khung cảnh tuyệt đẹp trên đường ra mốc 428

Đi một đoạn nữa sẽ hết đường đi dọc theo dòng sông, từ đây bạn phải leo lên và men theo các vách đá cao để đi tiếp. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, con đường khá nhỏ chỉ rộng vài bước chân.

Sau khi vượt qua các đoạn đường đất, các cánh rừng, ruộng ngô, ruộng lúa còn xanh mơn mởn, cột mốc 428 đã hiện ra trước mắt.

Mốc 428 là điểm cực Bắc xa nhất của Tổ Quốc

Từ cột mốc 428, bạn dễ dàng nhìn thấy đường con sông Nho Quế nằm cách đó 2km và cột mốc 427 nằm khuất phía bên kia sườn dốc.

Nhiều người sau khi kết thúc hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú thường lựa chọn nơi này như điểm nghỉ chân ngắm nhìn một phần đất nước.

Dòng sông Nho Quế nhìn từ cột mốc 428

Cung đường này khá nguy hiểm và khó khăn này nên bạn cần phải hết sức cẩn thận, trang bị đầy đủ dụng cụ leo núi và bước đi thật chậm tránh trượt chân.

8. Những lưu ý khi đi du lịch Lũng Cú

  • Nếu quyết định chọn xe máy, bạn cần mang theo một số vật dụng quan trọng: giấy tờ xe, xăng dự trữ (đựng trong chai 1,5l), đồ vá xe (bơm, đồ mở lốp, miếng vá, keo dán… phòng trường hợp bất trắc khi trên đèo).
  • Tùy theo mùa, bạn nên mang khăn, găng tay, quần áo ấm, áo khoác mỏng… Đặc biệt về đêm trời có thể trở lạnh.
  • Giày leo núi để không đau chân và hạn chế trượt.
  • Thuốc khẩn cấp: thuốc đau bụng, sốt, kem chống muỗi, băng bông, gạc…
  • Đồ ăn nhanh trong trường hợp khẩn cấp.

Chúc các bạn có 1 chuyến đi an toàn, vui vẻ và có nhiều trải nghiệm ý nghĩa với cực Bắc của Tổ Quốc.

4.7/5 - (3 bình chọn)
Share.

Comments are closed.