Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Chia sẻ kinh nghiệm leo Fansipan tự túc an toàn và chi tiết

0

Cập nhật vào 10/10

Leo Fanipan luôn là một thử thách mà bất cứ ai đều muốn chinh phục. Blog Phượt sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm hữu ích khi trekking Fansipan để bạn lên kế hoạch hợp lý cho chuyến đi của mình.

  1. Đỉnh Fansipan ở đâu?
  2. Nên leo Fansipan tháng mấy?
  3. Leo Fansipan cần chuẩn bị những gì
  4. Leo Fansipan mất bao lâu?
  5. Trekking Fansipan bằng đường nào?
  6. Ăn trưa, ăn tối và nghỉ đêm ở đâu?
  7. Lịch trình leo Fansipan chi tiết
  8. Những lưu ý khi leo Fansipan
  9. Chi phí khi leo Fansipan tự túc và theo tour

1. Đỉnh Fansipan ở đâu?

Fansipan, hay tiếng địa phương gọi là “Hủa Xi Pan” và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam.

Biển mây trên đỉnh Fansipan

Fansipan, hay Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Đỉnh Fansipan cao 3.143m so với mực nước biển.

Đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương

Trekking Fansipan – 1 trong số những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam luôn là một thử thách mà bất cứ ai đều muốn chinh phục.

2. Nên leo Fansipan tháng mấy?

Leo Fan là hành trình bạn có thể thực hiện vào thời điểm nào trong năm cũng được. Tuy nhiên, có hai tháng đáng cân nhắc nhất để leo Fan là tháng 3 và tháng 11.

Giữa tháng 3 là mùa hoa đỗ quyên nở, leo Fan đúng dịp này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng “vương quốc hoa đỗ quyên” đẹp mê người với đủ sắc màu vàng, trắng, hồng, đỏ, tím. Đỗ quyên tháng 3 như bao trùm đất trời SaPa, từ rừng hoa nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn cho đến những cây đỗ quyên đại thụ nở hoa trên dãy Hoàng Liên hùng vĩ.

Mùa hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan

Ngoài ra bạn có thể đi vào tháng 11, đó là lúc tiết trời không còn nóng nực, chuyển sang se lạnh mà không khắc nghiệt, trời quang, không mây mù, không mưa … Vì vậy, việc leo Fan cũng trở nên dễ chịu hơn cũng như dễ dàng săn được các biển mây và ảnh nắng rực rỡ trên đỉnh.

Nếu may mắn, thời tiết thuận lợi thì khi lên đến Đỉnh Fansipan bạn sẽ được chiêm ngưỡng biển mây tuyệt đẹp.

Ngoài ra, cho dù bạn lựa chọn leo Fan vào tháng nào trong năm, các bạn nhất định phải xem dự báo thời tiết trước khi lên lịch trình, kể cả đã lên lịch trình mà vào đúng những ngày mưa (dù đã xem dự báo thời tiết) thì tốt nhất bạn nên hoãn chuyến đi hoặc chuyển sang đi cáp treo để tránh nguy hiểm.

Một số cung đường trekking săn mây tuyệt đẹp khác:

3. Leo Fansipan cần chuẩn bị những gì?

Để được leo Fanxipan, bạn cần có giấy phép vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, giấy do Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn cấp. Giấy này có thể lấy trong buổi sáng khi bạn bắt đầu đi Fanxipan. Khi xin phép, khoản lệ phí bạn phải thanh toán bao gồm:

  • Phí vệ sinh: 5.000vnđ/ngày
  • Phí kiểm lâm: 150.000 vnđ/ngày
  • Phí leo núi: 30.000 vnđ/ngày
  • Bảo hiểm: 5.000 vnđ/ngày

3.1. Chuẩn bị sức khỏe

Leo núi không phải là một loại hình hoạt động dễ dàng, nó đòi hỏi nhiều ở sức khỏe của người tham gia.

Vì vậy, cho dù bạn là người bình thường lười hoạt động hay thường xuyên luyện tập, thì cũng hãy dành ra khoảng 1 tuần trước hành trình leo Fan của mình để rèn luyện cơ thể bằng những hoạt động thể thao đơn giản như đi bộ, chạy bộ, tập Yoga,… hay một vài bài tập đơn giản cho các cơ. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể đầu tư leo núi giả, leo núi trong nhà để rèn luyện trước chuyến đi.

3.2. Chuẩn bị về tinh thần

Chuẩn bị tinh thần thật tốt và thoải mái, vui vẻ. Nếu rủ thêm được bạn bè thân thiết cùng leo núi thì sẽ tạo nên một tinh thần đồng đội rất tốt.

3.3. Chuẩn bị thuốc men

Nên mang theo một số loại thuốc tiêu chảy, thuốc cảm cúm, dầu gió, cồn y tế, bông, băng gạc, miến dán Salonpass và một số kẹo mang hàm lượng dinh dưỡng cao như Socola, kẹo béo tăng lực, chè sâm cao nóng, kem chống nắng…

3.4. Đồ dùng trang bị cần thiết

Tiêu chí chung là: Gọn nhẹ giữ ấm khi lạnh, thoát khí nóng, chống trầy xước, dễ cử động, thấm mồ hôi, chống nước, chống vắt, côn trùng.

Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết để leo Fansipan

3.4.1. Balo

Nên chọn loại có dây đeo mềm, chắc chắn, có dây thắt quanh bụng, để đi cho đỡ nặng, có túi cạnh để nước, chất liệu chống thấm, có giá trợ lực tốt hỗ trợ sức cho các bạn đi leo núi rất nhiều. Nếu balo không có chống thấm, nên có tấm trùm balo chống nước phía ngoài.

Nên mang theo khoảng 5kg trong balo để tiện cho việc di chuyển. Trước khi sắp xếp đồ vào balo, bạn nên kiếm 1 túi nilon to và dày nhét vào trước rồi mới cho đồ đạc vào bên trong túi nilon phòng trời mưa.

Mẹo sắp xếp đồ thông minh là đồ dùng thường xuyên dùng để ngăn ngoài, phía trên balo; đồ dùng chưa cần đến để phía dưới. Khi đi quai balo nên kéo cao, để lực dồn lên vai, không kéo người về sau rất khó chịu.

3.4.2. Giày leo núi

Nên chọn loài giày leo núi chuyên dụng, giày nặng, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút) để giữ chắc khớp tránh bong gân, có gai bám bằng cao su (bám đá tốt hơn nhựa mềm), có hệ thống thoáng khí tốt và tránh nước. Bạn cũng nên chú ý chọn cỡ giày vừa với cỡ chân mình, hoặc rộng hơn cỡ chân một số, không được để kích chân.

3.4.3. Tất

Mang theo 3-4 đôi là được, chọn loại tất dày tốt, cao cổ trùm lên quần, vừa là để giữ ấm, chống vắt, vừa là để ngăn tình trạng chân phồng rộp do cọ sát với giày.

3.4.4. Gậy leo núi

Nên chọn mua gậy chuyên dụng, có lò xo đàn hồi, điều chỉnh được độ dài ngắn khác nhau tuỳ theo chiều cao của bạn, thu ngắn lại dắt sau balô được khi không cần thiết.

3.4.5. Găng tay

Vì đường chinh phục đỉnh Fan là đường đèo, bạn cũng sẽ phải leo qua vách đá, vì vậy một đôi găng tay là vô cùng cần thiết. Nên chọn loại găng tay bảo hộ có gai cao su, loại này mỏng rất thoải mái và tự tin khi bán vào thân cây, tre nứa, sườn núi và cả khi chụp ảnh.

3.4.6. Bọc cổ chân, gối

Là một đoạn ống băng đàn hồi, có tác dụng để cố định gân, dây chằng, cơ… khỏi bị bong gân hoặc dãn cơ trong quá trình bạn dịch chuyển. Đa số các loại bọc gối đang bán trên thị trường chỉ có một cỡ, không điều chỉnh được độ căng, và chưa thật phù hợp cho các hoạt động gập chân quá mức như leo núi.

Ngoài ra phần lớn loại này được làm bặng sợi polyester và sao su, ép chặt chân lâu dễ gây kích ứng da. Vì bọc quá chặt nên cử động gối khó khăn, thậm chí ngăn cản việc lưu thông máu. Bọc cổ chân hở gót có tác dụng tránh bong gân khá tốt. Có một loại bọc quấn có thể điều chỉnh mức độ chặt có lẽ là phù hợp hơn. Vậy nên bạn phải cân nhắc xem mình có cần cái bọc chân (loại hiện có) hay không.

3.4.7. Quần áo

Tùy vào thời điểm bạn đi mà cân nhắc mang theo quần áo. Nếu bạn đi vào từ tháng 5 đến tháng 9, tiết trời khá nóng, nên ưu tiên áo phông (chất liệu cotton) quần rộng ống (bộ rằn ri) và 1 chiếc áo gió để mặc khi đêm xuống (nhiệt độ sẽ giảm đôi chút).

Chú ý thời gian này là mùa mưa nên bạn cần chuẩn bị một, hai bộ áo mưa giấy hoặc chọn mua bộ quần áo chống nước để đỡ phải mang nhiều đồ.

Nếu bạn đi từ tháng 10 đến tháng 1, không khí đã bắt đầu lạnh, chưa kể những lúc rét đậm vào tháng 12 nên quần áo ấm là thứ ưu tiên khi mang đi. Nên chuẩn bị nhiều áo mỏng dài tay (3-4 cái) loại cotton và một áo khoác gió, nên chuẩn bị thêm quần tất (cho nữ), quần đông xuân (chon am) để mặc bên trong một quần leo núi rộng. Và vì trời lạnh nên đừng quên mang theo miếng giữ nhiệt, giúp bạn không phải mặc nhiều quần áo khó di chuyển mà vẫn giữ ấm được.

Còn từ tháng 2 đến tháng 4, thời tiết cũng như nhiệt độ vào khoảng thời gian này rất khó xác định trước trong một khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, sát ngày đi, bạn cần xem trước dự báo thời tiết gần nhất để có được sự chuẩn bị kỹ càng và tốt nhất.

Một vài lưu ý khác như nên quần áo nên là loại chống thấm nước, chọn quần dài vừa phải, nên mặc quần có đũng thoải mái, đầu gối thoải mái để di chuyển. Cạp quần rộng vừa, không quá chật không quá rộng. Bạn nên mang theo 2 bộ, một bộ mặc trên người một bộ để thay.

Chuẩn bị quần áo cần thiết khi leo Fansipan

3.4.8. Mũ đội đầu

Nên chọn loại mũ tai bèo gọn nhẹ, có quai và vành mũ rộng vì khi lên đến độ cao 2.500m gió sẽ tương đối mạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một mũ len trùm kín đầu và tai để giữ ấm khi đi ngủ.

3.4.9. Khăn

Để đảm bảo sức khoẻ nên mang theo khăn quàng cổ khi bạn ngủ ở độ cao thời tiết sẽ lạnh quàng khăn sẽ ấm cổ chánh bị cảm ở trong rừng. có thể dùng để băng bó vết thương và 1 khăn mỏng quấn cổ khi đi nóng.

3.4.10. Đèn pin (loại tích điện tốt), dao gấp đa năng, bật lửa, dây thừng, ống nhòm, …

Nên mang theo mỗi người 1 cái đèn pin nhỏ loại tích điện tốt. Nếu mua được loại đèn soi ếch đeo trên đầu là tốt nhất vì loại này tích điện khoảng 8-10h lại cực sáng. Để khi chúng ta đi vệ sinh hoặc đi lại trong đêm tối đặc biệt phòng khi có sự cố không may như phải đi chuyển trong đêm tối, cấp cứu trong rừng…

Đoàn đông nên mang theo đèn tích điện loại công xuất lớn hoặc máy phát điên loại nhỏ. Nên mang theo nến để thắp sáng trong khi dùng bữa tối có thể cắm nó vào cây trúc sau đó cắm xuống đất

  • Lều bạt, túi ngủ, đền lều để qua đêm (nếu bạn đi tự túc không theo tour)
  • Thuốc: Mang theo một số thuốc uống mà cá nhân thường dùng cho bệnh tật của mình (nếu có), ngoài ra như thuốc cảm cúm, đường ruột… gọn nhẹ. Ngoài ra, cần mang theo một tuýp Salonpast để xoa bóp tránh chuột rút, 1 túi đồ cứu thương cho cả nhóm.
  • Đồ chống muỗi, chống vắt
  • Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, kem chống nẻ.
  • Máy ảnh, máy quay, điện thoại, sạc dự phòng
  • Đồ ăn, nước uống:
3.4.11. Thông tin liên lạc

Bạn có thể sử dụng ĐTDĐ ở rất nhiều điểm. Có những nơi không có sóng. vậy sau đây là những giải pháp:

  • Qui định trước tín hiệu liên lạc
  • Qui định các điểm dừng chờ nhau, nếu đã có sơ đồ đi
  • Chia thành các nhóm đi với nhau nếu là đoàn đông
  • Phương tiện hỗ trợ: còi, bộ đàm, đèn, pháo bông, đánh dấu đường
  • Tín hiệu khẩn cấp qui định trước

Mang theo đồ ăn vặt yêu thích nhưng phải gọn nhẹ. Đặc biệt cần là đồ ăn cung cấp năng lượng nhanh: chocolate, phomai con bò cười, kẹo ngọt, pho mát sợi

Mỗi người khoảng 3 – 4 chai nước lọc nhỏ. Nước nên uống nhấm nháp làm nhiều lần không nên uống đầy bụng sẽ rất khó di chuyển và rễ bị tức bụng. Khi mệt nên hít thở bằng mũi cho đỡ hại phổi và thở ra bằng miệng sẽ giữ được sức bền tốt hơn.

Ngoài ra, có thể mang theo sữa để cung cấp năng lượng, café tan, trà gừng (nếu có đem theo cốc nhựa để pha uống).

4. Leo Fansipan mất bao lâu?

Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Phan Xi Pang và quay trở về mất khoảng chừng 5–6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày.

5. Trekking Fansipan bằng đường nào?

Có 3 cung đường phổ biến, nhưng tùy theo mùa mà ban tổ chức cho phép cung đường nào được đi. 3 cung đường theo độ khó tăng dần:

5.1. Leo Fansipan đường Trạm Tôn: (Độ khó thấp nhất)

Con đường xuất phát từ Trạm Tôn ở độ cao 1.900 mét (mất 6h để lên 2200m + 4h để lên 2800m + 2h để lên đến đỉnh): Cung đường này là dễ chịu nhất, ít vắt và ít dốc, nhưng cảnh không đa dạng lắm so với 2 tuyến kể trên.

Tuyến này sẽ phù hợp với những bạn bị hạn chế về thời gian và có mức độ thể lực trung bình do thời gian chinh phục ngắn và đòi hỏi về thể lực không cao như hai tuyến trên.

Leo Fansipan từ cung đường Trạm Tôn

5.2. Sín Chải – Trạm Tôn: (Độ khó trung bình)

Con đường xuất phát từ Sín Chải ở độ cao 1.260 mét, cách trung tâm thị trấn Sapa 5km (mất 3h để lên 2200m + 4h để lên 2800m + 2h để lên đến đỉnh): Đường này lên dốc rất cao, cao ngược lên….nhất là chặng 1 từ Bản Sín Chải lên độ cao 2.200m chỗ nghỉ qua đêm. Phong cảnh tương đối đa dạng, qua nhiều đỉnh đồi bạt ngàn tre trúc vàng óng!

Tuyến này sẽ phù hợp với các bạn có thể lực tốt nhưng không có nhiều thời gian vì so với tuyến Cát Cát thì thời gian chinh phục ngắn hơn 1 ngày.

5.3. Leo Fansipan từ bản Cát Cát: (Độ khó cao nhất)

Con đường xuất phát từ thung lũng Cát Cát, cách thị trấn SaPa khoảng 3km, ở độ cao 1.245 mét, kết thúc ở Sín Chải hoặc Trạm Tôn (mất 8h để lên 2150m + 8h để lên 2680 + 2h để lên đến đỉnh): Đây là tuyến dài nhất và dốc nhất. Tuy là tuyến khó nhằn nhất nhưng lại được đánh giá là tuyến tuyến leo Fan thú vị nhất bởi cảnh quan và địa hình đa dạng nhất trong cả 3 tuyến cộng với hành trình đi từ điểm đầu đến điểm cuối không hề bi lặp lại một đoạn nào.

Leo Fansipan từ bản Cát Cát

Tuyến này sẽ phù hợp với các bạn có thời gian và sức khỏe đáp ứng trung bình mỗi ngày leo khoảng 8 tiếng đồng hồ.

Lưu ý chung cho 2 đường Sín Chải và Trạm Tôn: Sau khi lên đến lán 2800m, các bạn sẽ phải leo lên tiếp độ cao 2900m rồi … tụt xuống độ cao 2600m… từ đây các bạn lại phải leo ngược lên độ cao 3000m với những vách đá dựng đứng. Khi lên đến đây các bạn sẽ phải vượt qua hơn 100m cuối cùng với toàn bùn lầy ẩm ướt bẩn nhất trong toàn chặng đường. Tuy nhiên, vượt qua quãng đường bùn lầy lội này là bạn đã thành công chinh phục đỉnh Fansipan rồi đó.

6. Ăn trưa, ăn tối và nghỉ đêm ở đâu?

– Với hai tuyến Sín Chải, Trạm Tôn thì các bạn đều phải đi qua các lán 2200m và 2800m (Chỉ có 2 điểm này là có lán trại, bể nước, bếp, nồi niêu bát đũa, đồ uống…) Nếu đi đường Sín Chải thì bạn nên nghỉ ăn trưa ở độ cao 2000m và nghỉ đêm ở độ cao 2200m. Còn nếu đi đường Trạm Tôn thì bạn có thể ăn trưa ở 2200m và lên thẳng 2800m để ăn tối và nghỉ đêm.

Lưu ý: Ở điểm nghỉ chân độ cao 2800m hiện nay đã có nguồn nước tương đối sạch và nhà vệ sinh sạch sẽ.

– Đường Cát Cát không có lán trại như 2 đường kia, buổi trưa đầu tiên các bạn có thể ăn tại độ cao 1500m hoặc 1720m. Đêm đầu các bạn sẽ phải dừng chân ở rừng Thảo quả ở độ cao 2150m, trưa hôm sau đi tiếp lên đến độ cao 2900 (Tại độ cao này khung cảnh rất đẹp) . Sau khi tụt xuống khe cạn và đi trong rừng Thảo quả thì đêm thứ 2 các bạn sẽ dừng chân tại độ cao 2680m, trưa hôm sau sẽ lên đến đỉnh Fan

7. Lịch trình leo Fansipan chi tiết

Ngày 1: Từ Hà Nội lên Sapa, nhận phòng, checkin, nghỉ ngơi.

Ngày 2: 10h Xuất phát leo Phanxipang – mua vé tham quan + thuê túi ngủ- 18h Cứ điểm 2200m – Ăn tối + ngủ tại lều ở đây.

Ngày 3: Ăn sáng + Tập thể dục 10p leo đến 12h trưa đến 2800m. Ăn trưa xong leo tiếp đến đỉnh Phanxipang khoảng 3h chiều. Check-in xong xuôi xuất phát xuống cứ điểm 2800m. Ngủ tối ở đó, sáng hôm sau ngắm bình minh.

Ngắm bình minh tại mốc 2800m

Càng leo lên cao, không khí càng ẩm ướt, bùn đất ướt nhẹp, gió cũng mạnh hơn nhưng bù lại khung cảnh thiên nhiên càng đẹp và thú vị hơn.

Ngày 4: Ăn sáng xong bắt đầu đi xuống cứ điểm trạm tôn và thuê xe ô tô về nhà nghỉ tại Sapa

Bạn có thể tham khảo lịch trình của một số nhóm đã từng trekking fansipan

7.1. Lịch trình sơ bộ – cung Trạm Tôn – Trạm Tôn

* Ngày 01: Bắt xe khách lên Sapa từ bến xe Mỹ Đình

* Ngày 02

  • 4h30p Có mặt ở Sapa, nghỉ ngơi
  • 6h45p Ăn sáng
  • 7h30 đến 8am lên xe đến Trạm Tôn
  • 9h00 Có mặt ở Trạm Tôn, xuất phát
  • 12h00 Có mặt tại mốc 2200m ăn trưa
  • 13h45 Xuất phát lên chốt 2800m
  • 17h00p Có mặt tại chốt 2800m Cắm trại, ăn tối, đốt lửa quây quần

* Ngày 03

  • 04h00p Dậy ăn sáng
  • 04h30p Xuất phát lên Fansipan đón bình minh
  • 6h30p – 7h30p: trekking núi Fansipan, Ngắm biển mây, chụp ảnh, bật sâm panh
  • 10h00p Có mặt ở 2800m ăn trưa
  • 11h30p Xuất phát xuống 2200m
  • 16h00p Có mặt ở Trạm Tôn
  • 16h30p Về Sapa thay đồ, tắm rửa, chơi bời đi dạo
  • 18h30p Tụ tập liên hoan trên Sapa, ăn chơi tưng bừng hoặc đi dạo ngắm cảnh
  • 22h00p Lên xe xuất phát về HN

* Ngày 04: 05h00p Có mặt ở Hà Nội. Kết thúc hành trình

7.2. Lịch trình leo Fan nếu đi bằng tàu từ Hà Nội

Ngày thứ nhất:

  • 19h có mặt tại ga HN
  • 20h tàu chạy

Ngày thứ hai

  • 5h30 tàu đến Lào Cai, bắt xe lên Sapa
  • 6h30 lên tới nơi ( chỗ này dự kiến nhà thuộc cụ Vietinco quản lý, mọi người vệ sinh cá nhân, gửi lại những đồ dùng không cần thiết, sau đó ăn sáng.
  • 8h30 đi tới Trạm Tôn để chuẩn bị leo Phan. Thuê poter địa phương đi kèm để hỗ trợ, dẫn đường và mang vác những đồ dùng hành lý khi cần thiết.
  • 9h30 bắt đầu khởi hành lên đường, chụp hình kỷ niệm tại trạm Tôn.
  • 12h30 ăn trưa, bữa trưa nhẹ nhàng với những đồ chuẩn bị từ nhà
  • 13h tiếp tục lên đường, 18h tới điểm nghỉ 2.800m. Chuẩn bị lều trại và chuẩn bị đốt lửa để nướng gà.
  • 11h cả đoàn đi ngủ.

Ngày thứ ba

  • 6h dậy ăn sáng
  • 7h khởi hành leo lên đỉnh, khoảng 10h đặt chân lên đỉnh Fansipan – Nóc nhà Đông Dương.
  • 11h bắt đầu xuống núi,
  • Đến 13h sẽ dừng lại ăn trưa.
  • 13h30 khởi hành xuống Trạm Tôn
  • 18-19h xuống đến Trạm Tôn, bắt xe về nhà nghỉ. ăn uống vui chơi ở sapa 1 đêm

Ngày thứ tư

  • Buổi sáng dậy ăn sáng, sau đó đi thăm quan những cảnh đẹp Sapa, các bản, thác…..
  • Khoảng 16h chiều về lại nhà nghỉ để nghỉ ngơi, chuẩn bị hành lý.
  • 17h30 ăn tối.
  • 18h30 bắt xe xuống ga Lào Cai.
  • 21h lên tàu về HN.

8. Những lưu ý khi leo Fansipan

Chặng đường rất khó khăn gian khổ nên Bạn không nên chủ quan có những bạn sức khoẻ rất tốt nhưng đôi chân lại không khỏe lúc đầu đi bình thường nhưng sau một chặng đường 2 – 3h bắt đầu cảm thấy đau bắp chân hoặc đầu gối tưởng như không thể đi nổi lúc này điều quan trọng nhất là tinh thần phải thật tốt phải khẳng định là mình sẽ leo đến đỉnh và nghỉ khoảng 5 phút bóp chân và xoa dầu chú ý là không lên nghỉ lâu quá sẽ sinh ra lười biếng.

Phải biết tự chăm sóc, động viên mình không nên nản trí và ỷ lại vào người khác làm ảnh hưởng tới đoàn.
Trường hợp thật sự không thể đi tiếp thì phải quay lại nơi nghỉ chờ đoàn trở về nhưng “nhớ phải bớt lại đồ ăn”.

Các bác sĩ tư vấn rằng những người bị bệnh tim mạch, huyết áp,suy hô hấp,có thai không nên leo núi, những ngày trước khi leo núi nên ăn đủ chất bổ dưỡng, đủ vitamin C, uống đủ nước hạn chế bia rượu và quan trọng là ngủ đủ 7h/ngày.

– Nên thuê porter – những người dẫn đường, mang vác đồ đạc, dựng lều trại và lo ăn nghỉ cho bạn trên núi. Thường cứ 2 người thì cần 1 porter. Porter chủ yếu là người Mông tại các bản như lân cận Sapa. Các Porter hầu hết là những người vui vẻ và nấu ăn tốt. Trong quá trình trên núi, nên để 1 nửa porter tới điểm nghỉ trước để chuẩn bị trại (nếu dùng trại) và lán (nếu dùng lán có sẵn) và nấu cơm. Và cũng đừng ngại ngần hỏi họ những gì bạn nhìn thấy, thắc mắc.

– Không tách đoàn: Tuyệt đối tuân thủ người dẫn đoàn và bắt kịp tốc độ đoàn, không tự ý tách riêng, lùi lại hay tiến nhanh lên trước. Đoàn đi cũng cần chú ý những người có thể lực kém hơn để tránh bỏ rớt đồng đội.

Không tách đoàn khi leo Fansipan

– Lạc đường: Nếu lạc đường bạn hãy quay lại theo đường cũ đã đi, nếu không xác định được phương hướng thì nên đứng nguyên tại chỗ đợi người đến tìm. Một kinh nghiệm chinh phục Phan xi Păng cần chú ý nữa là hãy mang theo dây ruy băng để đánh dấu những nơi bạn đã đi qua, vừa tránh lạc đường vừa giúp đội cứu hộ tìm bạn dễ hơn.

– Chú ý những cung đường nguy hiểm: Chắc chắn trên đường chinh phục Fansipan bạn sẽ gặp phải những con dốc thẳng đứng, trơn trượt, những con suối gồ ghề đá, những con đường chông chênh giữa trời. Lúc này bạn cần phải bình tĩnh, cần trọng di chuyển, đặt chân thật vững và dùng cả 2 tay bám vào đá, cây hoặc bất cứ vật gì có thể bám vào gần đó để di chuyển bạn nhé. Đặc biệt hãy nhớ di chuyển lên theo hình chữ Z, di chuyển xuống khom lưng, gập gối và ướm độ chắc chắn của những vật bạn định bám vào nhé.

– Luôn mang theo những đồ cần thiết bên mình: Điện thoại và sạc dự phòng, đèn pin, dao đa năng, đồ ăn vặt, dây ruy băng, nước uống. Mục đích là đề phòng bạn bị lạc. Ngoài ra, khi mang đồ leo núi bạn chỉ nên mang những đồ thật sự cần thiết, đừng mang quá nhiều nếu không bạn sẽ bị mất sức rất nhanh đó.

– Bảo vệ rừng, giữ vệ sinh môi trường: Nghiêm chỉnh thực hiện một số nội quy của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Không vứt rác trên dọc đường đi, khi có rác bạn nên cho vào túi hoặc ba lô đến mỗi điểm dừng chân bạn cho vào thùng đựng rác. Không khắc lên đá, lên cây trên dọc đường đi. Không tự ý chặt cây, đốt lửa trong rừng đặc biệt vào mùa khô.

9. Chi phí leo Fansipan tự túc và đi theo tour

9.1. Chi phí leo Fansipan theo tour

Trung bình, 1 người đi tour leo Fasipan 4 ngày 3 đêm sẽ rơi vào khoảng từ hơn 2 triệu đến hơn 4 triệu tùy vào lượng du khách đi tour đó.

Trong tour trekking Fansipan, chúng ta cũng tự hiểu là sẽ mất ít nhất 1 ngày để checkin, nghỉ ngơi sau khi đáp xuống Sapa. Nên chi phí này cũng sẽ bao gồm trong cả hành trình leo Fansipan.

Lưu ý: Đối với cách chọn đi tour thì các bạn không nên ham rẻ chọn gói ít tiền. Bạn cần phải tìm hiểu rõ xem công ty du lịch đó có đủ giấy tờ để làm việc không, có đóng bảo hiểm tai nạn không hay có hộ trợ gì đối với những trường hợp ngã trấn thương, ngất giữa đường hoặc lạc đường, mất tích…

9.2. Chi phí leo Fansipan tự túc

– Xe khách đi lên Sapa: 400k vé khứ hồi

– Phương tiện đi lại: (100k thuê xe máy+ 50k đổ xăng)/2= 75 k

– Đi chơi ngày đầu tiên: tiền vé và ăn uống các kiểu: khoảng 1000k tùy vào mỗi người

– Thuê nhà nghỉ khách sạn đêm đầu tiên trên Sapa: khoảng 50-400k/người tùy loại phòng

– Vé leo Fansipan: 150k/người

– Thuê porter dẫn đường leo Fansipan và vác đồ giúp: 200k/ porter cho mỗi nhóm 3-4 người, chia ra thì tầm 50-70k/ người.

– Thuê túi ngủ, các vật dụng cần thiết leo núi và lều trại: Phần này các bạn có thể tự mang từ Hà Nội lên thì rẻ hơn nhưng hơi bất tiện, hoặc có thể lên đến Fansipan thì thuê: 70-100k/ người

Như vậy tổng chi phí tối đa cũng chỉ hơn 2 triệu 1 chút.

Dưới đây là tất cả những kinh nghiệm đi leo Fansipan bạn có thể tham khảo cho chuyến đi của mình. Chúc các bạn có chuyến leo Fansipan vui vẻ và ý nghĩa!

4.7/5 - (3 bình chọn)
Share.

Comments are closed.